Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tại sao bệnh viện tự chủ tài chính nhưng lại không được tự chủ về nhân lực, tự chủ về thiết bị?

(VOH) - Một trong những nghịch lý được đại biểu quốc hội đưa ra là “tại sao bệnh viện tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ về nhân lực, tự chủ về đầu tư trang thiết bị?”.

Phát biểu ý kiến trước Quốc hội trong chiều 27/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đã đưa ra hàng loạt vẫn đề mà ngành Y tế đang gặp phải, chẳng hạn như tại sao bệnh viện tự chủ tài chính nhưng không được tự chủ về nhân lực, tự chủ về trang thiết bị? hay giá dịch vụ y tế, đến giá thuốc đều bị ép tới mức thấp, thậm chí không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ra hàng loạt vẫn đề "vô lý" mà ngành Y tế đang gặp phải

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, đại biểu Quốc hội luôn nhận được những lời phàn nàn của cử tri về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Nhưng tại các bệnh viện, từ lãnh đạo tới nhân viên y tế đều cho rằng “lực bất tòng tâm” vì bệnh viện thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thiếu thuốc có chất lượng và thiếu cả trang thiết bị hiện đại.

Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa, tự chủ bệnh viện – nhưng trong khi tự chủ, các bệnh viện lại không được tự chủ nguồn nhân lực, không được tự chủ trong mua sắm trang thiết bị - cho nên rất khó để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.

Theo đại biểu, đối với ngành y tế, tự chủ không phải là cắt đi đầu tư của nhà nước, mà đầu tư cho y tế phải ngày càng tăng, phải mở rộng các nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lo cho sức khỏe người dân.

Quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn sâu sắc của chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, các bệnh viện tại TPHCM đang BHYT bị ép giảm chi từ giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc, giá vật tư y tế, ép càng rẻ càng tốt, rẻ tới mức không đúng theo giá trị thực…, thậm chí đã rẻ rồi mà bệnh viện chưa chắc được thanh toán.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lấy dẫn chứng, từ năm 2019 đến 8 tháng đầu năm 2022, chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện tại TPHCM không được quỹ BHYT thanh toán tới 1.400 tỷ đồng do vượt tổng mức.

Theo đại biểu “đây là thực tế rất vô lý” bởi số bệnh nhân giảm thì BHYT không thanh toán theo tổng mức nhưng khi số bệnh nhân tăng, chi phí khám chữa bệnh tăng thì BHYT lại chỉ thanh toán theo tổng mức, phần chi phí tăng không hề được chi trả.

Xem thêm: Làm sao giải quyết tình trạng 'cơ chế một cửa' nhưng lại nhiều giấy phép con?

Trước những vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có biện pháp khẩn cấp để giải quyết như giảm các thủ tục, ngân sách y tế thiếu thì ngân sách nhà nước phải chi bù…

Về giải pháp lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và cần có Luật trang thiết bị.

Về việc tăng lương, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, tiền lương không phải tất cả lý do khiến nhân viên y tế nghỉ việc nhưng dẫu sao vẫn phải làm.

Quỹ BHYT cần cân đối thu chi theo hướng khác chứ không chỉ chăm thu giảm chi, chi tất cả nhưng lại chi càng thấp càng tốt…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ: “Mơ ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là để cho cán bộ y tế chỉ tập trung làm chuyên môn, khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là mỗi ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán, đối mặt với nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn trách nhiệm hình sự”.

Bình luận