Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tăng lương phải quan tâm đến kiểm soát được giá

VOH - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết việc tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu.

Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Các đại biểu Quốc hội qua thảo luận cơ bản đồng tình về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp việc tính lương theo vị trí, việc làm cần phải sửa đổi rất nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.

Cần phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới. 

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận việc Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ, chính sách là rất cần thiết.

qh 266
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận - Nguồn: Quốc hội

Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết khi triển khai chính sách cải cách tiền lương và các chính sách có liên quan cần có lộ trình phù hợp, từng bước thận trọng, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và khả năng chi trả của ngân sách thì việc Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở lên 30% vào thời điểm từ ngày 1/7/2024 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện ngay trong thời gian tới đây.

Giải pháp điều chỉnh tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng (tăng 30%), bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2024 tới đây đã đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Ánh nhận thấy, do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên chúng ta vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành, vì vậy một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tâm tư và băn khoăn.

Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị với Quốc hội, Chính phủ khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng luật hoặc các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề đối với các nhà giáo.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn về vấn đề này.

Việc tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu.

Công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước tiếp thu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp thực sự khả thi để thực hiện triệt để nội dung này.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thống nhất trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp từ ngày 1/7/2024 để đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức,

Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về nguồn lực từ ngân sách nhà nước từ Quỹ bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện đảm bảo các văn bản hướng dẫn, công tác phổ biến tuyên truyền để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Các đại biểu đề nghị cần hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường để tiếp thu, giải trình đầy đủ và đưa các nội dung cần thiết, phù hợp vào Nghị quyết Kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bình luận