Ngày 18/10, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát triển Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 4,24%, khiến cho mục tiêu tăng trưởng cả năm và giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khó khăn.
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, khu vực kinh tế này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Cùng với những kết quả đạt được, các đánh giá, phát hiện trong quá trình kiểm toán đã phân tích, làm rõ nhiều bất cập, hạn chế cần tháo gỡ sớm, để các khu kinh tế, khu công nghiệp phát huy hết hiệu quả và vai trò.
Trong đó, công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, mang tính cục bộ, thiếu gắn kết tổng thể hài hòa với lợi ích quốc gia.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị, hạ tầng giao thông không đáp ứng được tính liên kết vùng. Khu vực kinh tế này chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhiều nơi không đồng bộ.
Với Việt Nam, ông Jonathan Ashworth, Kinh tế trưởng, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA)-Toàn cầu, chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong những năm và thập kỷ tới.
Theo ông Jonathan Ashworth, chỉ ra một số lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước có thể tập trung khi tiếp tục chuyển đổi và thúc đẩy khả năng phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.
Cụ thể là cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu của Chính phủ bằng quy trình giám sát ngân sách. Nguồn lực của khu vực công cần được ưu tiên phân bổ, tối đa hóa lợi nhuận từ tài sản công, tập trung sâu vào giá trị đồng tiền chi tiêu trong khu vực và thúc đẩy việc chuẩn hóa báo cáo.
Quản lý rủi ro trên toàn khu vực cần phải tăng cường, kết hợp quản lý rủi ro vào quản trị tổ chức và lãnh đạo ở tất cả các cấp. Đây sẽ là chìa khóa để thúc đẩy quản trị tốt hơn trên toàn khu vực công ở Việt Nam.
“Kiểm toán nhà nước có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, một khía cạnh quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam,” ông Jonathan Ashworth nói.
Tiến sĩ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành II, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Trong đó, khung pháp lý phải sớm hoàn thiện, đảm bảo các mục tiêu tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cần bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, liên kết vùng, có trọng điểm và bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững.
Để làm được những điều này cần có các chính sách cần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình khu kinh tế mới và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn. Công tác quản lý Nhà nước cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ.”