Theo đó, hơn 128.000 thí sinh đã hoàn thành thủ tục đóng lệ phí, tăng hơn 34.000 thí sinh so với năm trước.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 đã thu hút tổng cộng 130.647 thí sinh đăng ký. Trong đó, 128.331 thí sinh đã hoàn tất thủ tục đóng lệ phí thi đúng thời hạn, ghi nhận con số cao nhất từ trước đến nay.
Thống kê cho thấy, thí sinh đến từ 63 tỉnh, thành trên cả nước đều tham gia kỳ thi này, dù có một số địa phương chỉ có 1 hoặc 2 thí sinh đăng ký. TPHCM vẫn là nơi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất với hơn 40.000 em.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 30-3 tại 25 tỉnh, thành trên cả nước, gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TPHCM.
Thí sinh sẽ được bố trí điểm thi gần trường THPT của mình. Một tuần trước ngày thi, thí sinh có thể in phiếu báo dự thi trực tuyến từ tài khoản đăng ký. Khi đến điểm thi, thí sinh phải mang theo căn cước công dân bản chính để làm thủ tục dự thi.
Dự kiến, kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 16-4. Từ năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi dưới dạng điện tử, thay vì bản giấy như trước đây.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có một số điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên với 120 câu hỏi, chia thành 4 phần:
-
Tiếng Việt (30 câu)
-
Tiếng Anh (30 câu)
-
Toán học (30 câu)
-
Tư duy khoa học (30 câu, thay thế phần giải quyết vấn đề năm trước)
Phần tư duy khoa học mới không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Thay vào đó, đề thi sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện, công thức cần thiết để thí sinh vận dụng khả năng tư duy, suy luận và giải quyết vấn đề.
Ông Chính khẳng định, các câu hỏi trong đề không yêu cầu học thuộc lòng mà đòi hỏi khả năng tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin. Nội dung câu hỏi sẽ liên quan đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tình hình kinh tế - xã hội và pháp luật.
Tự luyện thi vẫn có thể đạt kết quả cao
Về phương pháp ôn tập, chuyên gia khuyến nghị thí sinh nên tập trung vào việc hệ thống hóa kiến thức, rèn luyện tư duy logic, khả năng đọc hiểu và xử lý dữ kiện. Ông Chính nhấn mạnh rằng không có trung tâm luyện thi nào có thể đoán trước đề thi, do đó thí sinh có thể tự ôn luyện hiệu quả tại nhà mà không cần đăng ký các khóa luyện thi trực tuyến hay trực tiếp.
"Quan trọng nhất là thí sinh phải rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, xử lý thông tin nhanh và chính xác. Những ai đã quen với phương pháp này trong quá trình học phổ thông sẽ không gặp khó khăn khi làm bài trong 150 phút," ông Chính chia sẻ.
Cũng trong hôm nay (24/2), Trường Đại học Sư phạm TPHCM bắt đầu nhận đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025. Đợt đăng ký trực tuyến diễn ra từ ngày 24/2 đến 14/3.
Trường sẽ tổ chức ba đợt thi tại TPHCM và các tỉnh thành khác, trong đó đợt 1 diễn ra từ ngày 3 đến 6/4. Năm nay, trường tiếp tục xét tuyển kết hợp giữa điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt và kết quả học tập THPT.
Như vậy, cùng với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ là một trong những phương thức xét tuyển quan trọng đối với thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học 2025.