Chờ...

Thủ tướng: Cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi)

(VOH) – Sáng 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4 năm 2023.

Phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: Việc lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội (do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị); việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ tập trung vào một số nội dung trọng tâm được đông đảo nhân dân quan tâm: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về giao đất, cho thuê đất; về giá đất.

Chính phủ cũng thảo luận về việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn;…

Thủ tướng: Cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) 1
 

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng, đây là dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng. Do đó phải xây dựng hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân phù hợp với thực tiễn; những vấn đề chưa tiếp thu phải thông tin, giải thích rõ để nhân dân thấy sự cầu thị, lắng nghe của Chính phủ đối với ý kiến của nhân dân.

Bên cạnh tiếp thu ý kiến đóng góp có chọn lọc, đảm bảo vào Luật Đất đai (sửa đổi) không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành.

Đối với các ý kiến còn khác nhau, tiếp tục phân tích rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án để đưa ra ý kiến khách quan.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, phải hướng tới phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai phục vụ phát triển; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tránh phiền hà, chi phí không đáng có.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện quản lý đất đai, kết hợp với chuyển đổi số trong quản lý dân cư và cơ sở dữ liệu về dân cư; tiếp tục rà soát các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệp quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Đối với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng đề nghị cần phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa quyền sở hữu chung cư với quyền sử dụng chung cư; thời hạn sử dụng chung cư với thời hạn sử dụng đất và căn cứ pháp lý của các vấn đề này trong hồ sơ dự án Luật.

Về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, những nội dung không trái với Nghị quyết 18-NQ/TW thì giữ nguyên, đảm bảo sự ổn định của pháp luật.

Riêng chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang cần bổ sung, làm rõ các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư, trách nhiệm của các chủ thể… nhằm minh bạch nguồn tài chính, tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tổ chức các tổ công tác tới các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, trên cơ sở thực tiễn hoàn thiện chính sách để áp dụng chung.