Chờ...

Thủ tướng: Đề xuất cơ chế đặc thù, thủ tục rút gọn làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

HÀ NỘI - Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận như vậy khi chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Sáng 5/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Thủ tướng cho biết Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương và những nội dung cơ bản về dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ chủ trì và các bộ, cơ quan liên quan bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, đồng thời tiếp thu tối đa các ý kiến của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành để trình Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trước ngày 20/10/2024 để trình Quốc hội, với tinh thần “nghiên cứu kỹ càng, triển khai nhanh chóng."

0510-thu-tuong-duong-sat-toc-do-cao-3-7501
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam - Ảnh: TTXVN 

Đánh giá cao tinh thần khẩn trương của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án cần làm sớm nhất có thể. Trên cơ sở Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư dự án với tốc độ tối đa 350km/h, là đường sắt lưỡng dụng, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần tính kỹ các phương án kỹ thuật, hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh giao cắt. Dự án qua núi làm hầm, qua sông bắc cầu, tránh các khu dân cư, đô thị lớn, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi trong thi công, tạo không gian phát triển mới.

Tuyến đường sắt phải vừa phục vụ hành khách, vừa vận tải hàng hóa, đáp ứng mục đích kinh tế, du lịch và quốc phòng an ninh.

Bố trí các ga và xây dựng các ga phù hợp, phát huy công năng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng các địa phương và cả khu vực, có tầm nhìn xa, nhưng tránh lãng phí.

Tuyến đường sắt này phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, đảm bảo tính kết nối với các hạ tầng, phương thức giao thông khác như hàng không, hàng hải; kết nối các hành lang kinh tế trong nước và kết nối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia…

Thủ tướng yêu cầu rà soát lại suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư đảm bảo chính xác nhất có thể; rà soát và đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho triển khai dự án, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, các chính sách đặc thù về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng… với phương châm “thủ tục phải rút gọn, thi công rút ngắn".

Đề xuất các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước; những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ giao Thường trực Chính phủ chủ trì.

0510-thu-tuong-duong-sat-toc-do-cao-1-5840
Họp Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam - Ảnh: TTXVN

Về nguồn lực, phải đề xuất cơ chế huy động, đa dạng hóa các động nguồn lực gồm nguồn lực đầu tư công của Trung ương, địa phương; nguồn lực từ phát hành trái phiếu, nguồn vốn vay và các nguồn lực hợp pháp khác.

Cùng với nguồn lực tài chính, huy động tổng lực nguồn nhân lực, phương tiện của đất nước phục vụ dự án.

Về tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, trong đó Tổ giúp việc có vai trò quan trọng, phải chỉ định 1 Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chuyên trách việc này, không cứng nhắc vì khi tình hình thay đổi phải thay đổi biện pháp thực hiện.

Để đảm bảo tiến độ dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng rất quan trọng nên sẽ được tách riêng, thực hiện phân cấp cho địa phương. Mọi thủ tục phải rút gọn, khi thi công phải huy động tối đa nguồn lực, gồm nguồn lực địa phương. Các nhà thầu trong nước cũng sẵn sàng tham gia dự án.

Về quản lý chi phí, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá bao quát, làm rõ tác động nợ công. Đánh giá hiệu quả kinh tế mang lại và những tác động đến tiềm lực, vị thế của đất nước.

Đó là việc tạo thuận lợi đi lại, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, tăng hiệu ứng của xã hội. Theo Thủ tướng, đây chính là tiềm lực của đất nước. Cơ đồ, tiềm lực của đất nước chính là ở đây.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản trị để xây dựng, quản lý, vận hành tuyến đường sắt an toàn, khoa học, hiệu quả cao nhất.