Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phát triển và Công nghệ Ba Lan Krzysztof Paszyk và Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã điểm lại tình hình hợp tác kinh tế; giới thiệu về tiềm năng, nhu cầu hợp tác đầu tư; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giưa hai nước.
Đặc biệt, đề xuất các lĩnh vực hợp tác mà bên này có thế mạnh, bên kia có nhu cầu. Trong đó, Ba Lan là điểm sáng về công nghệ và công nghiệp.
Ba Lan còn được biết đến là quốc gia có nhiều thành tựu về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo như sản xuất ôtô, đóng tàu, sản xuất điện tử và máy móc thiết bị điện; công nghiệp khai khoáng, hóa dầu, và chuyển đổi năng lượng với các giải pháp năng lượng sạch và công nghệ xanh tiên tiến.
Việt Nam những năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới; đồng thời, là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay hai nước đã và đang xúc tiến tham gia nhiều cơ chế hợp tác như: Cùng tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đang tiến tới hoàn thành phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), xúc tiến tích cực để Ba Lan tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN.
Đề nghị các doanh nghiệp tận dụng, khai thác các cơ chế hợp tác này để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, hai khu vực.
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm này, Thủ tướng có các cuộc hội kiến, hội đàm, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo cấp cao của Ba Lan.
Hai bên đều bày tỏ sự quý mến, chân thành, tin cậy lẫn nhau và nhất trí thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ, bổ sung cho nhau; đặc biệt, nhân định quan hệ kinh tế chưa tương xưng với quan hệ hai nước và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi nước.
Đề nghị doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối; chia sẻ kinh nghiệm; xác định các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thể bổ sung, bổ trợ cho nhau; góp phần kết nối hai nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ kiến tạo, dẫn dắt, tạo cơ chế chính sách, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hợp tác phát triển.
Việt Nam xây dựng môi trường hoà bình, hợp tác, ổn định, phát triển; tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, điện toán đám mây, chuyển đổi năng lượng xanh... góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Việt Nam thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.
Trước mắt, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số.
Thủ tướng nhấn mạnh công việc rất nhiều, các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại rất phong phú; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, đã hoạt động hiệu quả rồi, hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ,” “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.”
Nhấn mạnh “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân,” “coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán,” Thủ tướng mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan tăng cường đến đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng thắng.