Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng khảo sát tình hình sạt lở tại ĐBSCL

VOH - Chiều 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực tế và có cuộc làm việc về tình hình sạt lở ven biển các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thủ tướng và đoàn đã kiểm tra tình hình sạt lở ven biển tại nhiều khu vực như thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng; khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào của tỉnh Bạc Liêu; các khu vực biển: Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; huyện Đầm Dơi; khu vực Đất Mũi của tỉnh Cà Mau.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước, có hơn 80 cửa biển, cửa sông thông ra biển và có bờ biển dài với 254 km.

Hiện nay, tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118 km sông, rạch, trong đó các đoạn bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km.

Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28 km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha.

Tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 89 km, trong đó các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 31km với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50m, đặc biệt có những nơi lên đến 80m.

Thủ tướng: Phải có giải pháp cấp bách và lâu dài khắc phục sạt lở tại ĐBSCL 1
Thủ tướng khảo sát tình hình sạt lở tại khu Du lịch Khai Long, tỉnh Cà Mau - Ảnh: VGP

Tại Bạc Liêu, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng cho biết từ năm 2015 đến nay xảy ra 35 trường hợp sạt lở, làm thiệt hại 71 căn nhà, bị ảnh hưởng 119 căn nhà (xuất hiện các vết nứt); chiều dài sạt lở gần 1.700m. Ước tính thiệt hại do các đợt sạt lở gây ra gần 23 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2023, Bạc Liêu đã xảy ra 8 trường hợp sạt lở bờ sông, bờ biển, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022 và các năm trước đây.

Các đợt sạt lở làm 119 căn nhà bị sập và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và gây sập, thiệt hại các công trình khác.

Tại Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho biết từ đầu năm tới nay, đã có trên 80 đoạn sạt lở bờ sông dài khoảng gần 1.800m. Tình trạng sạt lở đê biển chủ yếu trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.

Nhiều nơi hiện nay đai rừng phòng hộ không còn, sóng đánh trực tiếp vào thân đê nguy cơ vỡ đê vào những ngày triều cường là rất cao.

Triều cường sông Hậu gây tràn nhiều đoạn đê tại huyện Cù Lao Dung.

Thống kê sơ bộ từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương ĐBSCL 11.453 tỷ đồng khắc phục 190 vị trí sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân.

Từ năm 2015 đến nay, đã trồng và phục hồi 10.042 ha rừng ngập mặn với tổng kinh phí 1.931 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 2022-2025 tiếp tục trồng 2.631 ha rừng ngập mặn. Đã tổ chức di dời 21.696 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở với tổng kinh phí hỗ trợ 1.773 tỷ đồng.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ cần phải có các giải pháp cấp bách và lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư).

Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. T

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai các dự án cần làm ngay.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp căn cơ, bài bản, chiến lược lâu dài như quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển).

Bình luận