Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng: Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng "4 không"

VOH - Sáng 19/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 - hoạt động trọng điểm và là điểm nhấn mang ý nghĩa, tầm vóc quốc tế.

Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; đặc biệt là hoạt động bay chào mừng của Không quân Việt Nam, trình diễn võ thuật của lực lượng Đặc công và trình diễn các kỹ năng chuyên nghiệp của Quân khuyển Biên phòng…

Phát biểu tại lễ khai mạc và ấn nút khai mạc Triển lãm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 có ý nghĩa đặc biệt, là sự kiện quốc tế nổi bật với thông điệp "Hòa bình - Hợp tác - Phát triển", góp phần thúc đẩy đối ngoại và hợp tác quốc phòng trên tất cả các lĩnh vực; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, trọng nghĩa, trọng tình, trọng lẽ phải trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế.

Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

1912-thu-tuong-trien-lam-quoc-phong-4
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 - Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trải qua nhiều đau thương, hi sinh và mất mát do chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của tình hữu nghị, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Việt Nam kiên định chính sách quốc phòng "4 không" gồm: không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng tự vệ, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát.

Việt Nam định hướng chiến lược phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại và hội nhập quốc tế; ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công nghiệp quốc phòng nhằm tối ưu hóa tính lưỡng dụng, vừa nâng cao tiềm lực quốc phòng, vừa phát triển kinh tế, phục vụ lợi ích chiến lược của đất nước và cho cuộc sống thiết thực của người dân.

trien-lam3-191224
Lễ chào cờ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 - Ảnh: TTXVN

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 là sự khẳng định cho vai trò và đóng góp của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng quốc tế; là biểu tượng của niềm tin, sự tôn trọng và thiện chí hợp tác giữa các quốc gia vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Thủ tướng cho rằng, với sự tham gia của 66 Đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia cho thấy uy tín, thương hiệu trong tổ chức Triển lãm Quốc phòng của Việt Nam.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 là dịp để thắt chặt hơn mối quan hệ và cũng là cơ hội để Việt Nam được chào đón, tri ân bạn bè quốc tế, chia sẻ văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 sẽ thành công tốt đẹp, mang lại nhiều cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi những tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại quân sự, mở ra một tương lai hợp tác đầy triển vọng, đúng với tinh thần “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển".

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 được tổ chức tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 19 đến 22/12, trên tổng diện tích hơn 100.000m2 với diện tích trưng bày trong nhà là 15.000m2 và ngoài trời hơn 20.000m2.

Tại triển lãm có hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ hơn 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ tham gia, trong đó có sự tham gia của các nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Israel, Pháp, Anh, Tây Ban Nha...

Bình luận