Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng chiều 2/6 - TPHCM: Đưa 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận

(VOH) - Sáng 2/6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2023.

TIN TRONG NƯỚC

TP.HCM: lượng doanh nghiệp thành lập tăng

Thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng nhưng quy mô về vốn giảm, nhỏ hơn mức trung bình cả nước.

Theo báo cáo của UBND TP, tổng vốn đăng ký và bổ sung 5 tháng đầu năm tại TP là 469.352 tỉ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2021. Trong đó có 17.259 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 226.848 tỉ đồng, tăng 11,12% về số lượng so với cùng kỳ, giảm 11,61% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

“Quy mô về doanh nghiệp thành lập mới đang giảm, vấn đề này rất cần quan tâm, doanh nghiệp đầu tư tại TP.HCM mà quy mô lại nhỏ hơn mức trung bình cả nước. Phải xác định giải ngân là nhiệm vụ trọng tâm kinh tế, phải tiếp tục chỉ đạo rà soát giải quyết điểm nghẽn”

Bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TP - cho biết dù tiến độ phục hồi kinh tế TP đạt được một số kết quả nhất định nhưng chúng ta không thể hài lòng với kết quả này. Các cá nhân, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, cần các cấp chính quyền đồng tâm phối hợp mới có thể giải quyết.

Tin nóng chiều 2/6/2022: TP.HCM: 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận 1

Toàn cảnh buổi họp trực tuyến về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội tháng 5 và triển khai nhiệm vụ tháng 6 - Ảnh: TTBC

TP.HCM: Đưa 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận

Sáng 2/6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề án khoa học thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2023.

Hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước của 5 huyện này còn một số vấn đề cần điều chỉnh. Cụ thể, hiện tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền nông thôn nên còn hạn chế về phân cấp, chưa quản lý và khai thác được các tiềm năng trong phát triển.

Qua đối chiếu các tiêu chuẩn khi chuyển huyện thành quận hoặc thành phố, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè đã đạt phần lớn tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt. Trong đó, huyện Bình Chánh là địa phương đạt nhiều tiêu chí nhất với 26/30 tiêu chí, huyện Cần Giờ là địa phương đạt thấp nhất chỉ có 19/30 tiêu chí.

Việc chuyển huyện thành quận hoặc thành phố sẽ thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế và cơ cấu tổ chức tinh gọn.

Theo đó, ông Hưng cho rằng UBND TP và các sở ngành nên dành nguồn lực tương xứng để thực hiện đề án, rút ngắn quá trình. Đồng thời, cần xác định các đặc thù của từng huyện để phát triển hợp lý.

1 huyện lên quận, 4 huyện lên TP trực thuộc TP.HCM

Theo định hướng, huyện Cần Giờ phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM, phát triển thành phố xanh, du lịch sinh thái thân thiện môi trường, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao, có đủ sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch với các trung tâm du lịch khác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…

Huyện Củ Chi đề xuất phát triển thành TP trực thuộc TP.HCM. Huyện định hướng phát triển đô thị sinh thái thông minh, phát triển các khu du lịch sinh thái ven sông; xây dựng, phát triển các trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị...

Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Huyện sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics…

Huyện Bình Chánh định hướng chuyển huyện thành TP trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện Bình Chánh đề ra các chương trình đột phá gồm chương trình đột phá đổi mới phát triển, đột phá hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực…

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Huyện đang tập trung xây dựng quy hoạch đô thị mang tính chiến lược, linh hoạt có tính đa địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và lành mạnh, giao thông thông suốt, tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số…

Nguồn: TTO

Tin nóng chiều 2/6/2022: TP.HCM: 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận 2

Huyện Nhà Bè định hướng phát triển thành quận đô thị vệ tinh của TP.HCM - Ảnh: TTO

Giá nhà tiếp tục đà tăng

Trong một khảo sát mới đây từ kênh batdongsan.com.vn, 92% người được khảo sát muốn mua nhà ở trong tương lai và hơn một nửa đang tìm kiếm mua nhà trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, theo nhiều dự báo, đến cuối năm nay, giá bán bình quân trên các dự án vẫn có xu hướng tăng thêm 15%. Trong khi thị trường không có thay đổi lớn về nguồn cung và giao dịch, nguồn cung sơ cấp vẫn chủ yếu là căn hộ cao cấp hạng sang.

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, nửa còn lại của năm 2022, thị trường sẽ vẫn chưa có những sự thay đổi lớn về nguồn cung và giao dịch, nếu có chỉ tập trung ở một vài dự án cao cấp, hạng sang với rổ sản phẩm khá ít.

Về mức giá chung, xu hướng sẽ vẫn là tăng do chi phí tăng cao từ vật liệu xây dựng, đến việc kéo dài thủ tục pháp lý, đầu tư dự án…

Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây hệ lụy không nhỏ, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội trong việc tìm kiếm nhà ở của đại đa số người dân.

Thực phẩm ít cơ hội xuất khẩu

Nguồn cung dồi dào, giá rẻ nhưng VN khó tận dụng cơ hội bán hàng dù Malaysia tuyên bố ngừng xuất khẩu thịt gà từ ngày 1.6 khiến một số nước nhập khẩu từ nguồn này gặp khó.

Trong khi nguồn cung trong nước dồi dào, thế giới khan hiếm nhưng cơ hội xuất khẩu thịt của VN là rất nhỏ. Ông Nguyễn Kim Đoán Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phân tích, Indonesia phát triển ngành chăn nuôi gà khá mạnh, lại ở kế bên nên việc Malaysia ngừng xuất khẩu gà có thể là cơ hội tốt cho Indonesia và các nước châu Âu. Chưa kể, Singapore hay các nước nhập khẩu sản phẩm của Malaysia cũng có yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn, hàng rào kỹ thuật mà VN chưa chắc đáp ứng được. Trước nay VN có xuất khẩu gà đi Nhật Bản và một vài nước nhưng là sản phẩm gà chín với số lượng ít. Ngoài ra, chúng ta cũng xuất khẩu một lượng nhỏ thịt heo, gia cầm và cả trứng gia cầm sang một số nước nhưng là tiểu ngạch. Nếu muốn chuyển sang xuất khẩu chính ngạch thì cần phải cải tiến quy trình chăn nuôi và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Đó là một quá trình dài và có đầu tư bài bản chứ không thể một sớm một chiều được.

Tìm thấy thi thể trong bao tải trên sông Mã

Một thi thể nam giới khoảng từ 25 - 35 tuổi, bỏ trong bao tải, hai tay và vùng mặt bị quấn chặt băng dính vừa được người dân phát hiện trên sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Tân (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Ngày 2.6, ông Trần Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Tân, xác nhận thông tin phát hiện thi thể trong bao tải trôi trên sông Mã và cho biết, sau khi cơ quan chức năng giám định tử thi, địa phương đã tổ chức mai táng thi thể theo phong tục địa phương.

Do thi thể nạn nhân đang trong quá trình phân hủy, không thể nhận dạng, không có giấy tờ tùy thân nên Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo rộng rãi tìm tung tích, danh tính nạn nhân.

Theo thông báo, vào khoảng 16 giờ 50 ngày 1.6, người dân đi đánh bắt cá trên sông Mã, đoạn chảy qua xã Hoằng Tân, phát hiện một bao tải trôi trên sông, bên trong chứa một thi thể.

Bước đầu, cơ quan chức năng nhận định nhiều khả năng thi thể này là nạn nhân của một vụ án mạng nên Công an tỉnh Thanh Hóa giao cho Phòng Cảnh sát hình sự trực tiếp chủ trì cùng với các đơn vị địa phương tìm tung tích nạn nhân, điều tra làm rõ nguyên nhân.

Tin nóng chiều 2/6/2022: TP.HCM: 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận 3

Một số vật dụng tìm thấy trên thi thể nạn nhân

Xử lý vụ hướng dẫn viên du lịch ở Đà Nẵng bị đánh hội đồng

Theo Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, ngày 1.6, Sở tiếp nhận thông tin vụ hướng dẫn viên du lịch bị đánh hội đồng tại khu vực phía trước một khách sạn ven biển Đà Nẵng (đường Võ Nguyên Giáp, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn).

Về vụ việc này, hiện nay Công an P.Mỹ An đang xử lý và Sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã phối hợp trao đổi các nội dung liên quan về lĩnh vực du lịch theo quy định.

“Sau khi Công an Q.Ngũ Hành Sơn xử lý và có kết luận cụ thể về vụ việc, Sở Du lịch sẽ tiếp tục xử lý theo chức năng với tinh thần xử lý nghiêm đúng quy định, nhằm đảm bảo môi trường du lịch của thành phố an toàn, thân thiện”, đại diện Sở Du lịch TP.Đà Nẵng khẳng định.

Trước đó, tối 31.5, nam hướng dẫn viên du lịch của Công ty Truyền thông và du lịch Đà Nẵng (DaNang Travel Media) đưa đoàn khách về đến khách sạn thì bị một nhóm người hành hung.

Hướng dẫn viên này bị một người kẹp cổ tại vỉa hè trước khách sạn và bị nhóm người áp tải băng qua đường Võ Nguyên Giáp về phía bờ biển để đánh.

Tin nóng chiều 2/6/2022: TP.HCM: 4 huyện lên thành phố, 1 huyện lên quận 4

Hướng dẫn viên bị kéo đi để đánh

TIN THẾ GIỚI

Hợp đồng khí đốt của Serbia với Nga gây cơn đau đầu mới cho EU

Mới đây, Tổng thống Serbia thông báo Serbia đã đồng ý với một hợp đồng cung cấp khí đốt mới kéo dài 3 năm với nhà cung cấp năng lượng nhà nước của Nga là Tập đoàn Gazprom.

Quy mô, dân số và vị trí địa lý của Serbia khiến nước này trở thành một bên liên quan chính trong địa chính trị của khu vực. Nếu muốn bàn về tương lai của Bosnia hoặc Kosovo, chắc chắn sẽ cần Chính phủ Serbia tham gia. Tuy nhiên, Serbia cũng rất phụ thuộc vào Nga về mặt khí đốt. Nước này cũng hợp tác quân sự với Nga. Nói tóm lại, Serbia được hưởng lợi rất nhiều từ mối quan hệ với Nga. Ngay cả khi họ trở thành thành viên EU, Serbia cũng sẽ không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga.

Lý do nguồn thu của Nga không giảm dù ngừng bán khí đốt cho nhiều nước

Sau khi ngừng cung cấp khí đốt cho nhiều quốc gia châu Âu, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga đã giảm hơn 1/4. Tuy nhiên, giá khí đốt tăng cao đã khiến Nga thu về ngày càng nhiều tiền dù nước này tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt bán ra.

Cho đến nay, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã cắt ít nhất 20 tỷ mét khối nguồn cung cấp khí đốt hàng năm cho khách hàng ở 6 quốc gia châu Âu (Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch, Đức và Hà Lan) vì họ không thanh toán bằng đồng ruble theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, con số này chiếm gần 13% tổng lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu nhập khẩu hàng năm từ Nga.

Mỹ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng sữa công thức

Ngày 1/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng bảo vệ cách xử lý cuộc khủng hoảng sữa công thức, đồng thời khẳng định chính phủ đã nỗ lực trong khả năng của mình.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng sữa công thức tại siêu thị đã ảnh hưởng các gia đình nuôi con nhỏ trên khắp nước Mỹ hoang mang trong bối cảnh nhiều người phải chật vật kiếm sống khi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Không giống như tình trạng thiếu hụt các mặt hàng khác và chuỗi cung ứng tắc nghẽn, cuộc khủng hoảng sữa công thức ít liên quan đến lạm phát hay tiến trình hồi phục kinh tế không đồng đều của các đối tác thương mại Mỹ.

WHO cảnh báo virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1/6 cảnh báo virus đậu mùa khỉ có khả năng đã lây lan mà không bị phát hiện, viện dẫn hàng trăm ca đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại nhiều nước không thuộc châu Phi - nơi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.

Tổng Giám đốc WHO cho biết hiện tổ chức này đang tiến hành điều tra dịch tễ, song sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều nước cùng một thời điểm cho thấy căn bệnh này có thể đã lây lan trong một khoảng thời gian mà không được phát hiện. Thống kê của WHO cho thấy kể từ khi Anh ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 7/5, đã có hơn 550 ca mắc tại 30 quốc gia ngoài Tây và Trung Phi. 

Bang California (Mỹ) tìm cách tiết kiệm nước để ứng phó với hạn hán

Từ ngày 1/6, hơn 6 triệu cư dân khu vực Los Angeles, bang California của Mỹ bắt đầu thực hiện các quy định hạn chế sử dụng nước sinh hoạt để ứng phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở địa phương này. 

Theo quy định cụ thể về sử dụng nước sinh hoạt do Cơ quan cấp nước đô thị bang California ban hành, mỗi hộ gia đình chỉ được tưới nước sân vườn 1 lần/tuần và vào thời điểm mát mẻ nhất. Mục tiêu của quy định chưa từng có tiền lệ này là tiết kiệm 35% lượng nước sử dụng trong bối cảnh California đang trải qua năm hạn hán thứ 3 liên tiếp. Hiện giới chức bang California đang tìm cách giảm mạnh lượng nước sử dụng để ứng phó với tình trạng hạn hán kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên.

* Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn”  kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz/

Bình luận