Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng sáng 12/5: Giá xăng cao nhất từ trước đến nay

(VOH) - Sau kỳ điều chỉnh hôm qua, giá xăng RON95 đã thiết lập kỷ lục mới, vượt đỉnh kỳ điều chỉnh ngày 11/3 trước đó.

TIN TRONG NƯỚC

TPHCM: Hơn 1,87 triệu người sẽ được tiêm mũi 4

Sở Y tế TPHCM ngày 11/5 có tờ trình về kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân trên địa bàn TP. Mục đích dự thảo kế hoạch này là nhằm đảm bảo tỉ lệ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch bền vững phòng bệnh Covid-19; đồng thời đưa ra yêu cầu việc tổ chức tiêm phải an toàn, chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ theo quy định. 

Theo dự thảo kế hoạch, có 3 nhóm người được tiêm mũi 4 sắp tới gồm: Người từ 50 tuổi trở lên với số lượng dự kiến là 1.874.121 người (số liệu do các quận, huyện và TP Thủ Đức cập nhật đến ngày 9/5); Người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp). 

Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi nhắc lại lần 1. Đối với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi nhắc lại lần 1, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc Covid-19. 

TPHCM: 100% dữ liệu tiêm chủng đang được xác thực

Ngày 11/5, Sở Y tế TPHCM cho biết tính đến ngày 10/5, 100% các cơ sở y tế địa phương đã chuyển dữ liệu cần xác minh cho công an trong hoạt động "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng.

Toàn TP đã có 886.477 dữ liệu được ký duyệt chứng nhận tiêm chủng Covid-19 thông qua chữ ký số (cao gấp 2,5 lần so với tuần trước). Trung bình mỗi ngày có 175.276 dữ liệu được ký số chứng thực. 

Sở Y tế nhấn mạnh việc thực hiện chữ ký số chứng nhận tiêm chủng Covid-19 và làm sạch dữ liệu tiêm chủng không chỉ đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin và cấp "hộ chiếu vắc xin", mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành y tế, từ đó giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ cho xe thu phí không dừng lưu hành từ 1/6

Hiện nay, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 trạm thu phí với 62 làn. Từ ngày 1/6 tới, khi thực hiện thu phí ETC hoàn toàn sẽ đóng các làn thu phí tiền mặt, chỉ sử dụng 32 làn ETC tại 6 trạm thu phí. Tại mỗi trạm thu phí sẽ duy trì 1 làn/chiều xe chạy để xử lý xe gặp sự cố trong quá trình thu phí. Xe trả phí bằng tiền mặt có thể đi quốc lộ 5 song song với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - nhận định ETC tiện lợi, văn minh và góp phần giảm ùn tắc tại các trạm thu phí nên mong người dân sử dụng nhiều hơn.

Giá xăng lập kỷ lục mới, cao nhất từ trước đến nay

Hôm qua (11/5) là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Sau kỳ điều chỉnh hôm qua, giá xăng RON95 đã thiết lập kỷ lục mới, vượt đỉnh kỳ điều chỉnh ngày 11/3 trước đó.

giá xăng
Giá xăng RON95 đã thiết lập kỷ lục mới, vượt đỉnh kỳ điều chỉnh ngày 11/3 trước đó (Ảnh: Bộ Tài chính)

Theo quyết định của liên bộ, mặt hàng xăng E5 RON92 tăng 1.491 đồng/lít lên mức mới là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, cao nhất là 29.988 đồng/lít.

Cùng với đó, mặt hàng dầu diesel 0.05S tăng 1.120 đồng/lít, giá mới là 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, giá trần là 25.168 đồng/lít. Còn dầu mazút 180CST 3.5S giữ ổn định ở mức 21.560 đồng/kg.

Bắt nghi phạm cướp ngân hàng tại Hải Phòng

Tối 11/5, Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hải Phòng xác nhận đơn vị vừa bắt được nghi phạm táo tợn thực hiện vụ cướp tài sản tại phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank chi nhánh Hải Phòng trên phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng chiều cùng ngày.

Nghi phạm vừa bị bắt là Đào Anh Tuấn, 49 tuổi, trú đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Trước đó, khoảng 15h08 ngày 11/5, Công an TP Hải Phòng nhận tin báo về việc tại phòng giao dịch Ngân hàng VietinBank chi nhánh Hải Phòng tại địa chỉ 72 Lạch Tray, quận Ngô Quyền xảy ra vụ cướp. 

Một người đàn ông bịt kín mặt, cầm hung khí nghi súng xông vào uy hiếp, đe dọa nhân viên cướp tài sản nhưng bất thành. Sau đó nghi phạm nhanh chân tẩu thoát khỏi hiện trường.

Làm giả sổ đỏ để lừa mua đất chiếm đoạt tiền

Chiều 11/5, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị này vừa khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Thị Tình (24 tuổi, trú xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". 

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 1 đến tháng 3/2022, Tình gửi thông tin vị trí 2 thửa đất ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho một người ở TPHCM, yêu cầu làm giả 2 sổ đỏ mang tên của Tình. Hai thửa đất này là của mẹ và bà Tình. Giá làm mỗi sổ đỏ giả là 7 triệu đồng. Sau khi có sổ đỏ giả, Tình đưa ra thông tin mình cần tiền trả nợ nên bán đất với giá rẻ. 

Thửa đất này sau đó có một người hỏi mua và đã trả 300 triệu đồng. Cùng thủ đoạn như trên, Tình tiếp tục dùng sổ đỏ giả lừa bán mảnh đất thứ hai với giá 150 triệu đồng. Khi Tình đang chuẩn bị làm hồ sơ chuyển mảnh đất thứ hai sang tên của người mua thì bị công an phát hiện.

TIN THẾ GIỚI

Trung Quốc tin tưởng vào chiến lược 'Zero COVID'

Trung Quốc khẳng định chiến lược Zero COVID 'khoa học và hiệu quả' sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chiến lược vì cách tiếp cận không bền vững trước sự xuất hiện của các biến thể mới.

"Chúng tôi hy vọng những cá nhân liên quan có thể có cái nhìn khách quan và hợp lý về các chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc... và kiềm chế đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm", Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại cuộc họp báo ngày 11/5. Tuyên bố trên đáp lại nhận định vào ngày 10/5 của Tổng giám đốc WHO rằng cách chống dịch của Trung Quốc không bền vững và cần thay đổi.

Chính quyền Trung Quốc đến nay vẫn kiên quyết áp dụng chính sách Zero COVID để đối phó với dịch bệnh đang lây lan nhanh tại nhiều thành phố của nước này.

EU sẽ bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay

Ngày 11/5, Hãng tin AFP dẫn lời Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) và Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) thông báo sẽ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại sân bay và trên các chuyến bay tới châu Âu kể từ ngày 16/5.

Theo EASA, sau ngày 16/5, các quy định khẩu trang cụ thể sẽ tùy thuộc vào từng hãng hàng không. EASA vẫn khuyến khích đeo khẩu trang trên những chuyến bay đến hoặc từ những nơi vẫn còn bắt buộc đeo khẩu trang. Ngoài ra, những hành khách dễ tổn thương có sức khỏe yếu cũng được khuyên nên đeo khẩu trang.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ý, Pháp, Bulgaria và một số nước châu Âu khác nới lỏng hoặc chấm dứt phần lớn hoặc tất cả các biện pháp phòng dịch Covid-19. Trước đó, một số hãng hàng không của Mỹ cũng tuyên bố sẽ không yêu cầu đeo khẩu trang từ tháng 4/2022.

Gần 5 triệu việc làm bị mất do cuộc xung đột tại Ukraine

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 11/5 công bố báo cáo đánh giá sơ bộ về tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đối với việc làm, theo đó ước tính có khoảng 4,8 triệu việc làm đã bị mất ở Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại đây.

Nghiên cứu cho thấy nếu xung đột leo thang, số việc làm bị mất có thể sẽ tăng lên 7 triệu, tương đương 43,5%. Trong trường hợp cuộc xung đột sớm chấm dứt, khoảng 3,4 triệu việc làm sẽ được phục hồi, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,9%.

Nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi xung đột xảy ra hồi cuối tháng 2 với hơn 5,23 triệu người đi sơ tán sang các nước láng giềng. Những người đi sơ tán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và những người trên 60 tuổi, trong đó có khoảng 2,75 triệu người trong độ tuổi lao động.

Ấn Độ: Xuất khẩu lúa mỳ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 4

Tháng Tư là tháng đầu tiên của năm tài chính. Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới, đã xuất khẩu kỷ lục 7 triệu tấn ngũ cốc trong tài khóa 2021-2022. Đây cũng là nhà cung cấp lúa mỳ lớn duy nhất vào thời điểm này trong năm và xuất khẩu ngũ cốc của nước này đã tăng mạnh kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng Hai.

Người mua từ châu Á và Trung Đông đang mua lúa mỳ của Ấn Độ, vì giá rẻ hơn so với giá lúa mỳ của các nguồn cung thay thế khác. Do nguồn cung từ Ukraine và Nga giảm, vốn từng chiếm khoảng 29% tổng lượng xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu, nhà nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu Ai Cập lần đầu tiên đồng ý mua ngũ cốc từ Ấn Độ. Ấn Độ đã xuất khẩu lúa mỳ sang Nam Á, Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu và Bắc Phi và các thị trường mới khác.

Nguyên nhân gây ra các đợt nắng nóng trên toàn cầu

Ngày 11/5, các chuyên gia nhận định tất cả những đợt nắng nóng hiện nay đều do ảnh hưởng từ tình trạng ấm lên trên toàn cầu. Theo một báo cáo khoa học chi tiết mới được công bố, việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đã thải ra khí quyển một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đủ để dẫn đến việc gia tăng tần suất và cường độ của các trận lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão nhiệt đới.

Các nhà khoa học khẳng định biến đổi khí hậu là yếu tố chính gây nắng nóng cực đoan đồng thời nhận định các đợt nắng nóng trên thế giới đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, có nguy cơ xuất hiện nhiều hơn do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Qua nhiều thập kỷ, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu tới thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, các nhà khoa học mới thực sự trả lời được những câu hỏi chẳng hạn như mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến một hiện tượng thời tiết nhất định. 

* Nội dung được phát sóng trong “Nhịp Sống Sài Gòn” kênh Giao Thông Đô Thị - VOH FM 95.6MHz

Tổng đài giao thông: 028.3822.1188

Fanpage: https://www.facebook.com/Nhip.song.Sai.Gon.95.6Mhz


Bình luận