Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin nóng trưa 10/2: Đề xuất tiếp tục miễn thị thực đơn phương với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ

(VOH) - Cùng với việc đề xuất được sớm công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất tiếp tục miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ...

Sở GD&ĐT TP.HCM: Hướng dẫn trở lại trường với bậc tiểu học

Đối với những địa bàn thuộc vùng xanh (cấp độ 1), các trường được tổ chức học hai buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả các khối theo nhu cầu của phụ huynh, HS ngay khi đi học lại từ ngày 14-2. Đối với những địa bàn thuộc vùng vàng, trường được tổ chức học hai buổi/ngày hoặc bán trú cho khối 1, 2 và 5. Riêng khối 3, 4 sẽ học một buổi/ngày. Còn đối với vùng cam, HS khối 1, 2, 5 sẽ học một buổi/ngày, khối 3 và 4 sẽ học trực tuyến.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh1
Giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) tham gia diễn tập xử lý tình huống khi phát hiện có trường hợp mắc COVID-19 trong trường học ngày 9/2 để chuẩn bị đón học sinh trở lại. (Ảnh: PLO)

Tuy nhiên, Sở cũng lưu ý các trường chỉ được tổ chức bán trú, nội trú khi đảm bảo đạt các tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM ban hành từ tháng 10/2021.

TP.HCM: Nỗ lực tuyển giáo viên, nhân viên trước ngày 14/2

Chỉ còn vài ngày nữa (14/2), tất cả trường học khối mầm non, tiểu học tại TP.HCM bắt đầu đón trẻ đi học lại. Tuy nhiên, sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục tại TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên nên đồng loạt đăng thông tin tuyển dụng để đáp ứng đủ điều kiện mở lớp, chăm sóc trẻ.

Không chỉ mầm non, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM cũng đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên, nhân viên để chuẩn bị đón học sinh (HS) trở lại, nhất là để đáp ứng việc tổ chức bán trú.

Đề xuất tiếp tục miễn thị thực đơn phương với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ

Liên quan việc mở cửa du lịch quốc tế, cùng với việc đề xuất được sớm công bố thời điểm mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất tiếp tục miễn thị thực đơn phương đối với 24 quốc gia, vùng lãnh thổ như thời điểm trước năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát) và áp dụng thị thực điện tử cho công dân từ 46 quốc gia nhập cảnh vào Việt Nam.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh2
Bộ VHTTDL tiếp tục đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2 từ nay đến 30/3/2022 và từ ngày 31/3/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế. (Ảnh internet)

Bộ VH-TT-DL đã đề xuất lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo 2 giai đoạn:

- Giai đoạn từ nay đến 30/3, tiếp tục chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế giai đoạn 2, tập trung mở rộng đối tượng đón, phạm vi đón khách.

- Giai đoạn từ 31/3 trở đi, sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế.  

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến khởi công năm 2023

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, dự kiến khởi công năm 2023, tổng mức đầu tư 44.300 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong hơn 188 km toàn tuyến, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km còn lại đi qua tỉnh Sóc Trăng. Tuyến đường khi hoàn thiện sẽ có 6 làn cao tốc, với chiều rộng 32,25 m.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là 2 tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những tuyến này khi hoàn thành sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, đặc biệt là quốc lộ 91 đang quá tải... 

Vĩnh biệt Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi

Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) - diễn viên nhiều lần thể hiện vai diễn Bác Hồ thành công cả trên sân khấu lẫn điện ảnh - đã trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ ngày 10-2 sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 63 tuổi.

NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1959, ông đã có thâm niên hơn 30 năm đóng vai Bác Hồ, được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. Lúc sinh thời, NSƯT Tiến Hợi tâm sự, bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác. Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất".  

Liên hoan phim quốc tế Berlin: phim Miền ký ức của Việt Nam dự hạng mục Forum

Hôm nay 10/2, Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 72 khai mạc với sự tham gia của hơn 250 bộ phim đến từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Memoryland" (Miền ký ức, đạo diễn Bùi Kim Quy) của điện ảnh Việt Nam tham gia hạng mục "Forum" (Diễn đàn) của liên hoan phim năm nay.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh3
Cảnh phim Miền ký ức của Bùi Kim Quy. (Ảnh: TTO)

Ra đời từ năm 1951, Liên hoan phim quốc tế Berlin là một trong ba liên hoan phim quốc tế lâu đời và uy tín nhất thế giới, cùng với Liên hoan phim Cannes của Pháp và Liên hoan phim Venice của Ý. Hằng năm, với trên 300.000 vé được bán ra, Berlinale trở thành ngày hội điện ảnh thu hút lượng khán giả đông nhất thế giới.  

TIN THẾ GIỚI

WHO khẳng định 'Dù bạn sống ở đâu, COVID-19 vẫn chưa kết thúc'

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước giàu đóng góp 16 tỉ USD cho kế hoạch chống COVID-19, trong bối cảnh ca nhiễm toàn cầu vượt mốc 400 triệu ca.

WHO cho biết việc bơm tiền nhanh chóng cho chương trình "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19" (ACT-A) có thể giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19 trong năm nay.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh4
Xét nghiệm COVID-19 ở Malaysia. (Ảnh: Reuters)

ACT-A là chương trình toàn cầu về ứng phó với COVID-19 của WHO. Chương trình cần 23,4 tỉ USD để triển khai các hành động từ tháng 10-2021 đến tháng 9/2022.

Trọng tâm của ACT-A bao gồm chương trình COVAX - tập trung vào phân phối công bằng vắc xin, cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế.

Cho tới nay, ACT-A mới chỉ huy động được 800 triệu USD. Do đó, WHO thúc các nước giàu chi trả phần của họ, trị giá 16 tỉ USD. Phần còn lại do các nước có thu nhập trung bình chi trả.

Phát hiện Omicron ở động vật hoang dã

Nhóm nghiên cứu tại ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết việc phát hiện biến thể Omicron ở hươu đuôi trắng gây lo ngại loài này có thể trở thành vật chủ cho một biến thể mới. Đây là lần đầu tiên biến thể Omicron được phát hiện ở động vật hoang dã trong bối cảnh biến thể này đang thống trị số ca mắc mới tại Mỹ.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh5
Một con hươu đuôi trắng tại công viên lịch sử Fort Lee trước cầu George Washington ở bang New Jersey, Mỹ. Hiện ở Mỹ có khoảng 30 triệu con hươu đuôi trắng. (Ảnh: Reuters)

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dù tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy động vật lây truyền virus sang người, song hầu hết các ca Omicron ghi nhận ở động vật đều có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

Chính phủ Mỹ cho biết họ phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở loài hươu hoang dã tại bang Ohio. USDA từng báo cáo các ca mắc COVID-19 ở chó, mèo, hổ, sư tử, báo tuyết, rái cá, khỉ đột và chồn.

Nhật Bản gia hạn biện pháp chống COVID-19

Thủ tướng Nhật Bản thông báo chính phủ nước này sẽ gia hạn các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác thêm 3 tuần, giữa bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan. Thủ tướng Kishida cho biết các biện pháp hạn chế sẽ kéo dài đến ngày 6/3, thay vì kết thúc vào 13/2 như dự kiến ban đầu.

Quyết định cuối cùng về việc gia hạn các biện pháp này sẽ được chính phủ công bố trong ngày hôm nay 10/2, sau khi tham vấn chặt chẽ với các chuyên gia. Trong khoảng 2 năm đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhật Bản từng áp dụng các lệnh khẩn cấp ở nhiều cấp độ để ngăn ngừa dịch lây lan.

Nhật Bản cũng đã đóng cửa biên giới trong gần 2 năm qua, khiến đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông sẽ cân nhắc các hành động phù hợp, nhưng chưa có tín hiệu nào cho thấy các biện pháp này sẽ sớm được nới lỏng.

Dịch tăng mạnh ở Trung Quốc

Thành phố Bách Sắc của Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Tây và gần biên giới Việt Nam, đang trong giai đoạn "tăng nhanh" và có khả năng lan sang các thành phố khác. Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc từ ngày 7/2, trong đó người dân bị cấm rời khỏi thành phố và không được ra khỏi nhà tại một số khu vực.

Theo Hãng tin Bloomberg, 5 quận tại thành phố này đã chuyển toàn bộ đèn giao thông sang màu đỏ để hạn chế tối đa giao thông dù đảm bảo việc đi lại vì các lý do quan trọng như chữa bệnh, giao hàng hoặc chống dịch.

Việc sản xuất nhôm ở Bách Sắc đã phải tạm ngưng trong bối cảnh thành phố này bị phong tỏa, góp phần khiến giá nhôm thế giới vào đầu tuần này tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Bách Sắc có khả năng sản xuất 1,7 triệu tấn nhôm mỗi năm.

Các thành phố lân cận với Bách Sắc cũng đặt trong tình trạng báo động và đã có các biện pháp ngăn chặn sớm.

Các nước Đông Nam Á chạy đua mở cửa đón du khách

Philippines sẽ nối lại chính sách miễn thị thực du lịch cho công dân từ 157 quốc gia được miễn thị thực khi nhập cảnh vào nước này như trước khi có đại dịch COVID-19. Trong danh sách này có Việt Nam, Úc, Áo, Đức…

Cùng với Campuchia, Thái Lan, Indonesia (đã mở cửa trước đó), Philippines là quốc gia mới nhất rộng cửa với du khách quốc tế để khôi phục ngành du lịch đã bị ảnh hưởng trong đại dịch.

tin-nong-trua-10-2-voh.com.vn-anh6
Một bãi biển ở Philippines. (Ảnh: TIMEOUT.COM)

Hội đồng quốc gia về hồi phục của Malaysia cho biết sẽ tư vấn mở cửa biên giới quốc tế hoàn toàn với tất cả các du khách đã tiêm vắc xin COVID-19 từ ngày 1-3-2022 mà không yêu cầu cách ly.

Trong khi đó, Singapore có "làn du lịch an toàn" (safe travel lane) với một số quốc gia trên thế giới như Úc, Hàn Quốc, Đan Mạch...

Bình luận