Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tổng hợp trưa 28/11: Trẻ vẫn được đến trường khi chưa tiêm vaccine

(VOH) - Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo TPHCM đã trình UBND TP phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường.

TIN TRONG NƯỚC

Trẻ vẫn được đến trường khi chưa tiêm vaccine, tuy nhiên cần được hỗ trợ đặc biệt

Sở Y tế và Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM đã trình UBND TP phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường.

Công tác thí điểm dạy, học trực tiếp tại xã Thạnh An (Cần Giờ) thu được kết quả khả quan. Qua thí điểm học trực tiếp tại trường, ngành giáo dục sẽ báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM kế hoạch cho học sinh trên các địa bàn khác của TP được quay lại trường học tập.

tin-tong-hop-trua-28-11-tre-van-duoc-den-truong-khi-chua-tiem-vaccine-voh.com.vn-anh1
Trẻ vẫn được đến trường khi chưa tiêm vaccine, tuy nhiên cần được hỗ trợ đặc biệt. (Ảnh: HCDC)

Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã trình UBND TP phương án tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường. TP đã phê duyệt bộ tiêu chí đảm bảo an toàn trường học, đề cập đến khoảng cách an toàn giữa các em học sinh.

Đối với những học sinh không được/hoãn tiêm vắc xin COVID-19 vì nhiều lý do, sở cho biết, các em vẫn được đến trường như những học sinh khác. Tuy nhiên, nhà trường, thầy cô sẽ coi những học sinh trên là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ đặc biệt. Ngoài học tập, các em sẽ được quan tâm về các phương diện khác để đảm bảo an toàn.

TP.HCM: Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50-100 hộ có F0   

UBND TP.HCM ban hành quyết định số 4028 quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn.

Cụ thể, trạm y tế phường, xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn xã; phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các F0 diện được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách.

Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định…

tin-tong-hop-trua-28-11-tre-van-duoc-den-truong-khi-chua-tiem-vaccine-voh.com.vn-anh2
Nhân viên trạm y tế phường Thạnh Mỹ Lợi TP Thủ Đức xét nghiệm truy vết F0. (Ảnh: TTO)

Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý.

Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.  

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh, thành

- Hà Nội tối 27-11 ghi nhận thêm 272 ca COVID-19, trong đó có 146 ca cộng đồng, 88 ca khu cách ly và 38 ca khu phong tỏa.  

- Bình Dương ngày 27-11 ghi nhận 716 ca mới, 11 người tử vong. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày 26-11.. Tính từ đợt dịch thứ 4, đến nay tỉnh ghi nhận 280.203 ca COVID-19, 2.676 người tử vong.  

- Bến Tre có 203 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 6.529 ca. Trong đó, 3.085 ca ra viện, 61 ca tử vong. Đến nay tỉ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Bến Tre đạt 95,11% người trên 18 tuổi, trong đó có 63,63% dân số tiêm đủ 2 mũi.

- Bạc Liêu ghi nhận 12.386 ca COVID-19. Trong những ngày gần đây, số ca mắc trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao (trên 500 ca mỗi ngày) tạo ra nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

- Hậu Giang ghi nhận trên 5.000 ca COVID-19, trong đó có hơn 1.500 người đang cách ly tập trung, gần 3.000 người cách ly tại nhà và nơi cư trú, số người được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe hơn 4.200 người.

TP.HCM buổi sáng mát mẻ, miền Nam thấp nhất 21,7 độ C

Sáng sớm hôm nay 28/11, thời tiết TP.HCM mát mẻ, có gió nhẹ dễ chịu. Trước đó, vào tối 27-11, trời có mưa phùn, nhiều người dân thích thú tận hưởng tiết trời mát mẻ hiếm có trong năm.

Nhiệt độ thấp nhất vào sáng cuối tuần đo được tại TP.HCM là 24,8 độ C tại quận 1 vào lúc 7h22, và 24,2 độ C tại Nhà Bè vào 1h30.

Còn tại một số tỉnh lân cận, nhiệt độ giảm mạnh vào sáng sớm. Nhiệt độ thấp nhất đo được tại Phước Long (Bình Phước) là 22,2 độ C, Tây Ninh là 22,8 độ C, Long Khánh (Đồng Nai) 21,7 độ C, Trị An (Đồng Nai) 22,9 độ C.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết không khí lạnh đang được tăng cường yếu khiến gió đông bắc hoạt động với cường độ trung bình tại Nam Bộ là yếu tố chi phối thời tiết miền Nam những ngày này.

Quảng Nam: Cá heo liên tục trôi dạt vào bờ

Chỉ trong một tuần, người dân ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam phát hiện 4 xác cá heo trôi dạt vào bờ biển của địa phương.

Ngày 27/11, ông Nguyễn Xuân Luận - chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam - cho biết người dân vừa chôn cất một xác cá heo dạt vào bờ biển.

Theo đó, vào khoảng 9h sáng cùng ngày, một ngư dân xã Tam Tiến trong lúc đi thả lưới thì phát hiện xác một con cá heo chết dạt trên bờ biển. Con cá heo dài gần 1,5m, nặng khoảng 50kg. Sau khi phát hiện, nhiều ngư dân tập trung đưa xác cá heo lên bờ và chôn cất.

Theo ông Luận, trước đó, sáng 23-11, người dân địa phương cũng phát hiện một xác cá heo nặng khoảng 80kg, dài gần 1,7m trên bờ biển.

"Trong một tuần, địa phương ghi nhận có 4 xác cá heo trôi dạt dọc bờ biển. Tất cả đều có kích thước và trọng lượng nhỏ. Chúng tôi đã yêu cầu người dân chôn cất, mai táng cá heo theo nghi thức truyền thống của địa phương", ông Luận nói.

VietNam Airline bay thẳng tới Mỹ: trước mắt 2 chuyến/tuần

Tối nay 28/11, chuyến bay VN98 với 150 khách của Vietnam Airlines (VNA) từ TP.HCM sẽ bay thẳng đến San Francisco (Mỹ), đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ.

Từ ngày 28/11, VNA khai thác chuyến bay thường lệ đầu tiên giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Đây là các chuyến bay thẳng, thời gian bay chiều đi là 13 tiếng 50 phút, chiều về là 16 tiếng 40 phút.

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các đường bay quốc tế của ta được mở lại, hãng sẽ đánh giá nhu cầu thị trường để tăng tần suất lên 7 chuyến/tuần.

VNA cũng đang bàn thảo với nhà chức trách Mỹ về khả năng mở rộng điểm đến thứ 2 ở Mỹ là Los Angeles trong thời gian tới.

TIN THẾ GIỚI

Thêm nhiều nước hạn chế đi lại với châu Phi

Ngày càng nhiều nước hạn chế đi lại với các quốc gia miền nam châu Phi do lo ngại biến thể mới B.1.1.529 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên là Omicron và xếp vào nhóm 'đáng lo ngại'.

Mới nhất, ngày 27/11, Thái Lan thông báo cấm nhập cảnh người từ 8 nước châu Phi. Theo Hãng tin Reuters, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/12, áp dụng với Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

tin-tong-hop-trua-28-11-tre-van-duoc-den-truong-khi-chua-tiem-vaccine-voh.com.vn-anh3
Hành khách xếp hàng chờ khởi hành tại sân bay quốc tế TP Johannesburg, Nam Phi ngày 26/11. (Ảnh: Reuters)

Cùng ngày, Hà Lan thông báo 61 người trong 600 hành khách đến thủ đô Amsterdam trên 2 chuyến bay từ Nam Phi hôm 26/11 dương tính với SARS-CoV-2. Hà Lan đang xác minh họ có nhiễm Omicron không.

Canada đóng biên giới với người nước ngoài đã đến 7 nước nam châu Phi trong vòng 14 ngày. Công dân Canada trở về từ đó phải làm xét nghiệm và cách ly 14 ngày.

Cùng ngày, Ai Cập ngừng các chuyến bay thẳng đến và đi từ Nam Phi. Nam Phi hiện ghi nhận hàng chục ca nhiễm Omicron. Ngoài ra, Bỉ, Israel, Hong Kong và Botswana cũng đã có ca mắc biến thể này.

Các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson cho biết sẽ đánh giá hiệu quả vắc xin cũng như thuốc điều trị COVID-19 của họ với biến thể mới và công bố kết quả trong vài tuần tới.

Trung Quốc sẽ có 630.000 ca nhiễm/ngày 'nếu chống dịch kiểu Mỹ'

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc cho biết quốc gia tỉ dân này sẽ ghi nhận tới 630.000 ca nhiễm mới mỗi ngày nếu Bắc Kinh dùng cách tiếp cận phòng ngừa và kiểm soát dịch kiểu Mỹ.

CDC Trung Quốc cho biết trong số 630.000 ca dương tính này, sẽ có 10.000 ca bệnh nặng. Điều này sẽ khiến hệ thống chăm sóc y tế của Trung Quốc bị quá tải và gây ra thảm họa cho quốc gia đông dân nhất thế giới.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng kịch bản đại dịch trong đời thực ở các quốc gia là Mỹ, Anh, Israel, Tây Ban Nha và Pháp, để từ đó đánh giá các hậu quả tiềm ẩn tương ứng nếu các chiến lược ứng phó với COVID-19 ở các nước này được áp dụng ở Trung Quốc.

Họ cảnh báo vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa thể sẵn sàng áp dụng các chiến lược "mở cửa" chỉ dựa vào giả thuyết về miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng - vốn được một số nước phương Tây ủng hộ.

Mỹ, Brazil khuyến cáo mở rộng giới hạn đi lại với châu Phi

Ngày 27/11, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo Mỹ cần đặt ra thêm giới hạn đi lại với 8 quốc gia ở phía nam châu Phi, sau khi Nhà Trắng công bố các biện pháp mới để đối phó với biến thể Omicron.

Hôm 26/11, Nhà Trắng tuyên bố sẽ cấm gần như toàn bộ các du khách quốc tế từng đến bất cứ nước nào trong số 8 quốc gia châu Phi kể trên trong vòng 14 ngày trước khi đến Mỹ. Quy định này sẽ có hiệu lực từ 12h sáng ngày 29/11 theo múi giờ miền Đông (ET).

Du khách trên các chuyến bay cất cánh trước thời điểm trên sẽ được phép hạ cánh xuống Mỹ, với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi và có kết quả âm tính trong vòng 3 ngày trước đó.

Cũng trong ngày 27/11, Cơ quan Quản lý y tế của Brazil (Anvisa) đã khuyến cáo chính phủ mở rộng danh sách các nước cần giới hạn đi lại vì sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Cụ thể, Anvisa khuyến cáo thêm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách này.

Trước đó 1 ngày, Brazil đã đóng cửa biên giới với du khách đến từ Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe.

Khuyến nghị của Anvisa sẽ được chính phủ xem xét ban hành. Cơ quan này không có quyền áp đặt các giới hạn đi lại vì COVID-19.

Tình hình dịch bệnh tại Đức đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn nêu rõ, "tình hình hết sức nghiêm trọng, nghiêm trọng hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát", đồng thời nhấn mạnh rằng, những cảnh báo về dịch bệnh vẫn chưa được tất cả người dân tại Đức lưu tâm.

Bộ trưởng Y tế Đức khẳng định, "chỉ có một điều có thể tạo ra sự khác biệt mang tính quyết định trong ngắn hạn, đó là giảm đáng kể tiếp xúc, gặp gỡ nhau". Do vậy, ông cho rằng, ngay cả những người đã tiêm vaccine, đã khỏi COVID-19 hoặc đã được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cũng nên hạn chế tham gia một số hoạt động xã hội.

Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận hơn 76.400 ca mắc mới, mức cao nhất từ trước đến nay, và 357 người tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số người không qua khỏi trong ngày ở mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Chỉ số lây nhiễm trung bình trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở Đức là 438 và cũng là mức cao kỷ lục cho tới nay.

Trung Quốc thực hiện giải pháp mạnh tay kiềm chế tỷ lệ sinh thấp kỷ lục

Nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn giảm gồm số lượng thanh niên giảm, nam nhiều hơn nữ, chi phí sinh hoạt cao. Một gia đình có thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/năm ở thành phố Thượng Hải phải dành 70% thu nhập để nuôi con đi học tới cấp trung học cơ sở.

Thay vì quy định cho phép nghỉ thai sản 98 ngày, hiện các thành phố Thượng Hải và Bắc Kinh cho nghỉ 158 ngày. Ngoài 158 ngày nghỉ, tỉnh Giang Tây còn cho nghỉ thêm 15 ngày kết hôn, 15 ngày sinh con và cha mẹ trẻ dưới 3 tuổi còn được nghỉ mỗi năm 10 ngày để chăm con, chồng cũng được nghỉ 15 ngày thai sản của vợ. Ở tỉnh Chiết Giang, người sinh 2 con được nghỉ 188 ngày. Tỉnh Thiểm Tây còn đề xuất cho nghỉ 1 năm.

Quy mô gia đình ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 3 người/ gia đình, chỉ còn 2,62 người. Một bài báo giật tít "Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm thấp hơn Nhật Bản".

Nhiều giải pháp mạnh đang được chính quyền Trung Quốc triển khai nhằm giảm áp lực để thanh niên đồng ý kết hôn và sinh nhiều con. Tuy nhiên, trên thực tế, 30 triệu nam giới ở Trung Quốc muốn cưới vợ lại không tìm đủ cô dâu.

Bình luận