Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước

(VOH) - Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23-5-2021.

Đây là cuộc vận động chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm góp phần xây dựng, phát triển đất nước giàu đẹp hơn như di nguyện mà Bác Hồ từng mong muốn.

VOH tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc tọa đàm:“Đồng hành cùng bầu cử” với chủ đề: “Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước” với sự tham dự của các khách mời: Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VIII, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX; Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM khoá XII, đại biểu Quốc hội khóa IX, XI, XII; Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV; Ông Huỳnh Thành Lập, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh khoá XIII, đại biểu Quốc hội khoá XI,XII,XIII; nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố; PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành uỷ viên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV; PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố, Thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

*MC Ngọc Bích: Thưa quý vị! Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Tư tưởng đó của cha ông ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển và hoàn thiện trong điều kiện mới. Bàn về việc kêu gọi hiền tài ra ứng cử để giúp dân, giúp nước, bài học sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta là gì? Xin được mời ông Hà Minh Hồng chia sẻ.

Ông Hà Minh Hồng: Ngay từ cuộc bầu cử đầu tiên, để tìm được người hiền tài ra ứng cử thì Bác đã sử dụng báo chí để kêu gọi hiền tài ra ứng cử. Báo Cứu quốc số 130, ra ngày 31/12/1945 đã viết rõ Tổng tuyển cử là một dịp để toàn thể người dân lựa chọn những người hiền tài, gánh vác công việc của nước nhà. Người kêu gọi quốc gia đi bầu cử. Bầu là bầu cho người hiền tài. Và phải luôn nhớ thực hiện câu: “Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng”. Và những người đó phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc. Và khi được vào Quốc hội phải là người đầy tớ trung thành của đồng bào; là những người đại biểu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là những người hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài 

*MC Ngọc Bích: Cảm ơn ý kiến của ông Hà Minh Hồng. Thưa bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân, bà cho rằng đâu là tố chất của một người đại biểu cần phải có?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Trước hết là mình phải rèn luyện đạo đức của người cán bộ. Điều đó, không phải ngày một ngày hai mà có, mà không phải có rồi nó tồn tại vĩnh viễn đối với mỗi con người. Khi mình được nhân dân bầu rồi, trách nhiệm càng cao hơn thì sự rèn luyện cần phải thường xuyên hơn. Nói đạo đức đó là cái gì đó cụ thể. Ví dụ người dân cần ở người cán bộ bây giờ là sự liêm chính, sự cần kiệm, không xài phung phí của công, không lấy của công làm của riêng của mình, rồi phải có dũng khí, có tư duy, có phương pháp để phòng và chống tham nhũng. Bản thân mình không tham nhũng đã đành rồi, nhưng mình cũng phải có phương pháp để phòng và chống tham nhũng trong cơ quan của mình, trong cộng đồng của mình hay là mình phải có giải pháp để chống tham nhũng. Rồi về tài cũng vậy. Không phải mình học xong 1 lớp, lấy 1 cái bằng là mình đã có tài. Mà kiến thức là mênh mông, mà hiểu biết của là giới hạn, cho nên, mình học hỏi các đại biểu khác. Nghe, nói và làm phải đi đôi với nhau. Lắng nghe đồng bào cử tri vì trong đồng bào cử tri là một kho tri thức trong đó. Ý chí, nguyện vọng và tri thức của đồng bào cử tri sẽ cho mình những sự hiểu biết và mình chắt lọc trong đó những gì phù hợp, để xây dựng nội dung gì, phát biểu vấn đề gì ở trong diễn đàn Quốc hội.

Và tất nhiên không phải cái gì mình cũng tham gia phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, nhưng mà vấn đề gì, việc gì mình cũng phải tham gia quyết định. Với tôi, có một cái tâm đắc là phải kiên trì. Có thể ý kiến của đồng bào cử tri, trí tuệ, nguyện vọng, chính kiến của đồng bào cử tri, mình đưa tới diễn đàn Quốc hội, mình thấy điều đó là đúng, mình muốn bảo vệ, mình muốn đóng góp, mình muốn xây dựng. Nhưng không phải một kỳ họp có thể đạt được sự đồng thuận thì 2 kỳ họp, 3 kỳ họp, một nhiệm kỳ chưa được mà nếu mình tham gia nhiệm kỳ tiếp theo thì mình phải đeo bám, phải kiên trì. Tranh luận, mình phát biểu trước diễn đàn Quốc hội chưa đủ; mình ra hành lang Quốc hội. Rồi bằng kênh của báo chí mình tạo sự lan tỏa và cuối cùng Chính phủ cũng đã nhận thấy rằng đấy là ý chí của nhân dân, của đồng bào cử tri. Và cuối cùng thực hiện được.

*MC Hà Diễm: Cảm ơn ý kiến chia sẻ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, một trong những tố chất của người đại biểu Quốc hội mà bà tâm đắc đó là phải kiên trì. Kiên trì đeo bám, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng và chuyển tải được ý kiến của cử tri. Nhân câu chuyện này, xin được nghe thêm ý kiến của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng:  Về tố chất của một đại biểu Quốc hội thì tôi nghĩ là trước nhất phải có cái tâm, sống vì người khác, không sống vì bản thân mình, vì gia đình mình. Thứ 2 là phải nhiệt tình, phải có niềm tin sắt đá rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực thật sự, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, chứ không phải chỉ trên giấy tờ. Thứ 3 là phải có kiến thức, kiến thức về luật thì mình phải học. Và mình phải cố gắng tìm hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Và khi nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân; Chủ trương, chính sách của Nhà nước mình thì mình phải có dũng cảm đưa ra tại diễn đàn Quốc hội, để đóng góp để xây dựng chủ trương, chính sách có lợi cho đất nước. Ngoài ra, phải có kỹ năng đọc nữa.

*MC Ngọc Bích: Xin được cảm ơn ý kiến của bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Chúng ta tiếp tục về câu chuyện tố chất cần có của một đại biểu Quốc hội, xin được nghe thêm ý kiến của ông Huỳnh Thành Lập trao đổi thêm về vấn đề này?

Ông Huỳnh  Thành Lập: Để có tố chất, trước hết cử tri chúng ta cần lựa chọn, tìm hiểu kỹ tiểu sử ứng cử viên, như quá trình cống hiến, công tác của ứng cử viên. Căn cứ vào 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội mà bầu ra đại biểu Quốc hội. Và khi trở thành đại biểu Quốc hội rồi, người đại biểu của dân phải có tâm, có bản lĩnh và trách nhiệm đấu tranh chống cái xấu, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Như vậy, yêu cầu đại biểu phải tiếp xúc cử tri nhiều hơn, phải tiếp dân nhiều hơn, phải gặp dân nhiều hơn và phải nhớ nhờ có dân, có cử tri, mình mới là đại biểu.

*MC Ngọc Bích: Xin cám ơn ông Huỳnh Thành Lập. Và chương trình xin được nghe ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thưa quý vị! Tôi rất là đồng thuận với ý kiến của các anh, chị phát biểu trước. Đó là những tố chất rất là cần có của một đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tức là phải có tâm, có đức, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hết lòng vì công việc, hết lòng dấn thân vì cộng đồng. Trong đó cũng cần có tài, phải có tài. Tức là phải có trình độ, có sự hiểu biết. Điều đó đòi hỏi phải luôn luôn học tập, rèn luyện, chính điều đó sẽ giúp chúng ta có điều kiện đóng góp đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và khoa học hơn vào hoàn thiện hệ thống Luật pháp của chúng ta. 

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tiến hành vào ngày 23-5-2021.
Ảnh minh họa. 

*MC Hà Diễm: Cảm ơn những chia sẻ rất xúc tích, ngắn gọn từ ông Trần Hoàng Ngân. Trong câu chuyện này, chúng tôi cũng muốn nghe chia sẻ của bà Phạm Phương Thảo: Vì sao cần thiết phải có sự xuất hiện của các thành phần trong cơ cấu đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân (Ví dụ: người ngoài đảng, doanh nghiệp, dân tộc, tôn giáo, tỉ lệ nữ…). Xin mời sự chia sẻ của bà?

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi nghĩ cơ quan dân cử như Quốc hội phải là nơi hội tụ nhân tâm, nhân tài của con người Việt Nam, cùng chung lo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để thể hiện sự bình đẳng, như là thước đo của sự bình đẳng giới, tập hợp những thành phần khác nhau như vậy, tất cả để có chung một tiếng nói, để thể hiện một sự dân chủ. Điều đó cũng thể hiện lẽ công bằng, làm tốt vai trò đại diện để đóng góp cho sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta không mở rộng ra những người đại diện như vậy làm thế nào thể hiện được sự dân chủ, làm thế nào phát huy được tiếng nói để làm sao khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc của người dân.

*MC Ngọc Bích: Xin cảm ơn bà Phạm Phương Thảo. Và xin được nghe thêm ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu về nội dung này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Quốc hội lần này thì Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị ban hành rất sớm ngày 20/6/2020 về lãnh đạo công tác bầu cử của nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong đó, chúng ta cũng có phân bổ như ở Trung ương có 1.076 đại biểu, và địa phương đạt tỷ lệ bình quân 2,15 lần so với dự kiến bầu. Trong tỷ lệ này không đồng đều giữa các tỉnh. Như là cơ cấu đại biểu thì chúng ta phân bổ là 7.656 đại biểu, theo luật định là có 3.715 đại biểu, đạt tỷ lệ 2,06 lần cho tổng số đại biểu được bầu. Và chúng ta cũng phân ra là phụ nữ là 21,1%; người dân tộc là 9,8%; người trẻ tuổi là 10,6%; người ngoài đảng là 7,2%; người tự ứng cử là 20 người. Thực hiện luật định này, vừa rồi Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành gần 26 các văn bản để chúng ta đảm bảo các quy định theo luật định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết ngày 4/3/2021 quy định về đơn vị bầu cử, danh sách của các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu vào mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó, cả nước chúng ta sẽ có 184 các đơn vị bầu cử và có 10 đơn vị bầu cử để bầu 30 đại biểu Quốc hội và mỗi đơn vị là 3 đại biểu. Các đại biểu ra ứng cử lần này, tôi nghĩ chúng ta sẽ chọn được người có đủ tài, đủ đức dưới sự giám sát của người dân, khi chúng ta lấy ý kiến của từng cơ quan nơi công tác và lấy ý kiến của nơi cư trú và qua những lần hiệp thương.

*MC Ngọc Bích: Vâng xin được cảm ơn những thông tin, những ý kiến từ Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Quý bạn đọc vừa theo dõi kỳ 3 chủ đề “Trọng dụng nhân tài, xây dựng đất nước” của tọa đàm: “Đồng hành cùng bầu cử”. Tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện với cái tâm trong sáng vì dân, vì nước mới có được lòng tin của cử tri. Đây cũng là nội dung kỳ tiếp theo chủ đề này, mời quý vị đón xem trên VOH Online.

Bình luận