Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

VOH - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 9/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu về dự thảo Luật Nhà giáo, nêu rõ yêu cầu cấp bách trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Dự thảo này được trình vào tháng 11, thời điểm gần Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhằm tôn vinh và khẳng định vai trò của nghề giáo trong xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng giáo dục là lĩnh vực quan trọng, có vai trò then chốt trong sự phát triển của đất nước, và Luật Nhà giáo cần phản ánh được tầm quan trọng này. Ông bày tỏ quan ngại khi dự thảo hiện chỉ tập trung vào các quy định đơn lẻ mà chưa bao quát đầy đủ vai trò của giáo viên.

Theo Tổng Bí thư, vấn đề thiếu giáo viên hiện nay là một bất cập lớn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách phổ cập giáo dục yêu cầu mọi trẻ em đến tuổi đều được đến trường. “Có trò là phải có thầy để dạy,” ông nhấn mạnh, đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần tận dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định số lượng trẻ em đến trường mỗi năm, từ đó bố trí đủ giáo viên phù hợp.

TBT To Lam thieu giao vien
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về dự án Luật Nhà giáo - Ảnh: Như Ý

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra quan điểm về việc coi giáo viên là những nhà khoa học, nhấn mạnh rằng cần thể hiện rõ mối quan hệ giữa giáo viên và khoa học trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, với xu hướng hội nhập, các yêu cầu về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cần được cụ thể hóa trong quy định đối với giáo viên để đáp ứng mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Một khía cạnh khác được ông nhắc đến là chính sách học tập suốt đời. Ông cho rằng, nếu quy định khô cứng về tuổi nghỉ hưu của giáo viên, sẽ khó tận dụng được kinh nghiệm và uy tín của những người có thâm niên trong nghề. Do đó, cần có cơ chế linh hoạt hơn để huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong các môi trường giáo dục đặc biệt như khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Tổng Bí thư cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng cơ sở vật chất còn thiếu thốn ở các khu vực vùng sâu, nơi học sinh phải đi học xa hàng chục cây số và thiếu điểm bán trú. Trong những khu vực khó khăn này, giáo viên không chỉ giảng dạy mà còn đóng vai trò vận động học sinh đến trường và chăm lo cho các em. “Các thầy cô giáo phải hi sinh nhiều hơn khi công tác tại đây,” ông nhấn mạnh.

Tổng Bí thư kết luận rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo điều kiện thuận lợi và tôn vinh nghề giáo để thầy cô cảm thấy phấn khởi, chứ không gây thêm khó khăn. Luật phải tạo ra môi trường giáo dục tích cực và bền vững, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

 
Bình luận