Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổng LĐLĐ Việt Nam góp ý, đề xuất các chính sách liên quan đến việc chăm lo cho người lao động

(voh) - Sáng 23/10, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt khu vực miền Nam góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020.

Qua đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức 3 hội nghị góp ý cấp Tổng Liên đoàn. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là dịp phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tham gia với Đảng trong việc xây dựng, hoạch định đường lối, chủ trương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Góp ý tại Hội nghị các đại diện của các tỉnh thành đã tập trung đề xuất nhiều nội dung linh hoạt các chính sách liên quan đến việc chăm lo cho người lao động như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN tạo cơ sở đẩy mạnh và phát triển kinh tế. Ngoài ra, với tỷ lệ người thất nghiệp cao hiện nay, cũng có một số ý kiến về điều chỉnh chính sách tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp theo chiều hướng tăng cường đào tạo lại cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động thích ứng với cơ cấu kinh tế, chính sách liên quan đến xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam để nghiên cứu, đề xuất, bổ sung vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Mặt khác, liên qua đến các chính sách an sinh xã hội, một số đại biểu cũng cho rằng cần quan tâm hơn các chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng sức khoẻ cho người lao động, đây cũng là yếu tố cần thực hiện trong việc cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ, góp ý bổ sung 11 vấn đề đề cập trong dự thảo văn kiện liên quan đến chủ đề hội nghị như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước; Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh, phát triển kinh tế số; Cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc…

Bình luận