Chờ...

TPHCM xử lý nghiêm cán bộ "né tránh" trách nhiệm

VOH - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch xử lý dứt điểm các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ, và trụ sở công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Theo kế hoạch, các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TPHCM được giao nhiệm vụ rà soát, giải quyết triệt để các dự án tồn đọng, đưa vào sử dụng sớm nhất có thể.

UBND TPHCM đặc biệt yêu cầu xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng hoặc sợ trách nhiệm, gây chậm trễ trong việc tháo gỡ vướng mắc.

Kế hoạch chia các công trình, dự án tồn đọng thành 5 nhóm chính:

  1. Dự án đầu tư: Gồm các dự án thuộc Luật Đầu tư, Đầu tư công và Đầu tư theo hình thức PPP.
  2. Tài sản công: Bao gồm trụ sở, công sở và các tài sản thuộc quản lý nhà nước.
  3. Dự án của doanh nghiệp nhà nước: Liên quan đến tài sản công và vốn góp của nhà nước.
  4. Dự án vướng mắc pháp lý: Các dự án liên quan đến thanh tra, điều tra, truy tố hoặc xét xử.
  5. Khu đất lớn chưa sử dụng hiệu quả: Đặc biệt tại các vị trí đắc địa, đã có phản ánh trên truyền thông.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao trách nhiệm chủ trì họp với các cơ quan liên quan để tổng hợp danh mục các dự án cần ưu tiên xử lý. Danh mục sẽ chọn lọc khoảng 10-20 dự án trọng điểm trong mỗi nhóm để giải quyết ngay trong năm 2024, đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn cho các dự án khác.

TPHCM quy hoach 2024
Ảnh minh hoạ

Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Văn phòng UBND TPHCM tổ chức kiểm tra, đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tháo gỡ khó khăn cho dự án. Đồng thời, kiên quyết xử lý, điều chuyển cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc, gây lãng phí nguồn lực.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát toàn bộ các dự án tồn đọng, dừng thi công trên phạm vi cả nước, bao gồm các bệnh viện, ký túc xá, trụ sở và các công trình đầu tư công khác. TPHCM là địa phương tiên phong triển khai quyết liệt để chống lãng phí và thúc đẩy phát triển bền vững.

Kế hoạch xử lý lần này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc giải phóng các nguồn lực, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.