Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trải nghiệm sông nước - Hướng đi mới cho du lịch TPHCM

VOH - Từ ngày 4-6/8 diễn ra Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ I năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc, quy mô diễn ra bên sông Sài Gòn.

Phóng viên VOH có trao đổi với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM về Lễ hội Sông nước TPHCM - sự kiện được định hướng trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, đặc trưng của thành phố. 

Trải nghiệm sông nước - Hướng đi mới cho du lịch TPHCM 1
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - Ảnh: TTO

*VOH: Xin bà cho biết về hoạt động du lịch đường thủy của TPHCM hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: TPHCM đang có khoảng 20 tour tuyến đang phát triển và trong đó phổ biến nhất về du lịch tầm ngắn, có các tuyến từ các bến trung tâm thành phố như bến Bạch Đằng đến Bình Quới; từ bến Bạch Đằng đến bến Lan Anh LandMark 81. 

Tầm ngắn còn có tuyến Nhiêu Lộc Thị Nghè; tuyến tầm trung đang chủ yếu khai thác từ trung tâm thành phố đến Củ Chi và Cần Giờ. Tuyến tầm xa đang liên kết với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ.

*VOH: Lễ hội Sông nước lần đầu tiên 2023 sẽ diễn ra thế nào, thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Trước mắt sẽ thực hiện với các tuyến đang khai thác về dịch vụ điểm đến trên tuyến. Như tuyến đi Củ Chi sẽ có khai thác các điểm đến trên địa bàn quận 12 theo chương trình mỗi quận huyện 1 sản phẩm du lịch. Các tuyến đi hướng Bình Dương sẽ khai thác hướng tuyến này với quận 12, huyện Hóc Môn.

Các tuyến tầm ngắn, tầm trung thì khu đô thị Vạn Phúc vừa rồi có ra mắt các sản phẩm nhạc nước để làm mới sản phẩm trên tuyến; Khu du lịch Bình Quới, Thanh Đa các doanh nghiệp cũng phát triển một số sản phẩm để làm hấp dẫn hơn, kết hợp việc đi xe đạp trên khu vực bán đảo Bình Quới và đa dạng hơn các dịch vụ về ẩm thực, trải nghiệm để làm mới các tuyến sản phẩm này.

Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ I năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc, quy mô diễn ra bên sông Sài Gòn.

Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ I năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc, quy mô diễn ra bên sông Sài Gòn - Ảnh: Internet

Chúng tôi đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải TPHCM đưa vào khai thác các cầu cảng như Ba Son chẳng hạn, khi các cầu cảng này đưa vào khai thác sẽ phát triển thêm được các tàu, nhà hàng, tàu lưu trú trên sông, các tàu phục vụ du lịch.

Hiện Sở Du lịch TPHCM đang xin chủ trương, xin cấp phép các vị trí neo đậu trên sông Sài Gòn, đưa vào sử dụng 12 vị trí neo đậu trên địa bàn huyện Cần Giờ, tạo cơ sở phát triển thêm các tuyến tàu lưu trú vào dịch vụ trên sông theo các hướng tuyến này.

Khu vực quận 7, Nhà Bè trong thời gian tới cũng sẽ phát triển tuyến từ Nhà Bè đến khu Tam Thôn Hiệp, phục vụ du lịch đường bộ kết hợp với đường sông.

*VOH: Về kế hoạch quảng bá và kích cầu du lịch đường thuỷ TPHCM như thế nào, thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Trong thời gian tới sẽ giới thiệu từ 30 - 50 chương trình kích cầu du lịch, trong đó đã phát triển khoảng 20 chương trình du lịch đường thủy.

Trước mắt không chỉ 20 tour tuyến mà sẽ thực hiện kích cầu, quảng bá, mời các đoàn khảo sát, doanh nghiệp tiềm năng trải nghiệm sản phẩm mà chúng ta đã phát triển.

Chương trình thực cảnh đầu tiên của TPHCM được diễn ra trên sông, với người dàn dựng là đạo diễn Lê Hải Yến (Ảnh: BTC).

Chương trình thực cảnh đầu tiên của TPHCM được diễn ra trên sông - Ảnh: BTC

*VOH: Thành phố vừa ban hành đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, bà có thể thông tin thêm về đề án này?

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Theo đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông do Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố chủ trì, TPHCM định hướng không chỉ cảnh quan hai bên bờ được cải thiện bằng các hoạt động kinh tế dịch vụ mà còn thúc đẩy đưa sông Sài Gòn trở thành một trong những biểu tượng văn hóa và điểm nhấn về kinh tế. 

*VOH: TPHCM đã triển khai Nghị quyết 98, Ngành du lịch TPHCM vận dụng như thế nào để thúc đẩy phát triển, đặc biệt với du lịch đường thủy? 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Trong Đề án phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn hóa sông nước giàu bản sắc của TPHCM chúng ta đang có nhiều thuận lợi khi Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa ban hành, mở ra nhiều cơ chế, chính sách có thể đẩy nhanh việc thu hút, kêu gọi đầu tư và thông qua việc xây dựng các cơ chế linh hoạt về việc sử dụng đất ven và trên kênh rạch cũng như bờ sông.

Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ I năm 2023 với chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật đặc sắc, quy mô diễn ra bên sông Sài Gòn.

Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại sẽ góp mặt trong "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện"  - Ảnh: BTC

Từ việc thực hiện cơ chế đất đai, việc cập nhật quy hoạch và cơ chế thu hút, kêu gọi đầu tư thì chúng ta sẽ có sản phẩm quảng bá, tôn vinh về sông Sài Gòn, về đô thị sông nước của thành phố đúng tầm trong tương lai.

Chúng tôi nghĩ thực hiện cơ chế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội vừa ban hành thì không chỉ là chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí mà đó sẽ là tổng hòa về các định hướng phát triển kinh tế - văn hóa của TPHCM. 

*VOH: Xin cám ơn bà!

Lễ hội Sông nước TPHCM lần thứ nhất năm 2023 diễn ra từ ngày 4 đến 6/8 tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố từ cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, Công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, bến Bình Đông, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác của các quận huyện và thành phố Thủ Đức.

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP HCM trải dài theo không gian và thời gian sẽ được kể trong 5 chương nghệ thuật với sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian.

Lấy văn hóa - lịch sử làm điểm khởi đầu, lễ hội sông nước cùng chương trình nghệ thuật thực cảnh sông nước sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo chưa từng có, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch TPHCM trên bản đồ điểm đến của du khách quốc tế.

Bình luận