Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát sinh nhiều vấn đề về kinh tế chưa có tiền lệ

(VOH) - Các chuyên gia nhận định Việt Nam cần phải có những giải pháp phù hợp để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, khi phải cùng lúc đối mặt với hai vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Phát sinh nhiều vấn đề về kinh tế chưa có tiền lệ 1
Trưởng ban Kinh tế, Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn.

"Nền kinh tế nội địa còn những bất cập, hạn chế, xuất hiện nhiều diễn biến bất lợi, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... Cần phải nhận diện đúng các cơ hội cũng như những khó khăn thách thức, đề xuất các giải pháp thích ứng phù hợp", ông Trần Tuấn Anh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Hải cho rằng việc cấp thiết là nhận diện đầy đủ nguy cơ, rủi ro, để từ đó đánh giá kịp thời các tác động và có giải pháp kịp thời, phù hợp bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, các chủ thể liên quan theo quy định của pháp luật.

Ông Hải yêu cầu cần tập trung giải quyết căn cơ, gốc rễ, phù hợp với nguyên nhân, điểm nghẽn.

Việc ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động trong khu vực doanh nghiệp là tiền đề để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và tạo việc làm, giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm: Kinh tế Việt Nam năm 2022 dự kiến tăng trưởng trên 8%

Để vượt qua những khó khăn và giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, hướng tới đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ.

Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số,...

"Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện các định hướng lớn về phát triển bền vững, như tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bình luận