Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo chí phải phản biện đúng, trúng, thực tiễn xã hội

(VOH) – Năm 2022, thông tin trên báo chí đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chủ động, hiệu quả trong tuyên truyền vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.

Đây là một trong những kết quả nổi bật của công tác báo chí trong năm 2022, được Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nêu ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngày 24/12. 

Ông Trần Thanh Lâm cho biết năm 2022 nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau tăng khả năng tiếp cận cho người dân, thực hiện chuyển đổi số báo chí.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội.

“Báo chí cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt mang lại giá trị cho công chúng, thúc đẩy xã hội” – Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Báo chí phải phản biện đúng, trúng, thực tiễn xã hội 1
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - Ảnh: Ngọc Bích 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu báo chí cần phải bám sát, trung thành, thực hiện thật tốt các mục tiêu trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong Đề án quy hoạch báo chí.

Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đặc biệt báo chí phải đồng hành cùng lợi ích quốc gia, dân tộc.

"Chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn về chức năng phản biển xã hội, phản biện đúng, phản biện trúng với thực tiễn để khắc phục điểm nghẽn giúp ý Đảng lòng dân khắng khít hơn. Trong phản biện cũng phải phê phán các quan điểm sai trái, lợi dụng làm sai đạo đức nghề báo, vi phạm pháp luật." – Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Tại Hội nghị, Phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, báo chí TPHCM hầu hết có uy tín, số lượng phát hành khá cao, có vị trí nhất định trong hoạt động báo chí cả nước". 

Theo ông Sơn, các hoạt động truyền thông “sau mặt báo” hoạt động khá phong phú và được dư luận đánh giá cao. Báo Sài Gòn Giải phóng hiện có nhiều chương trình có ý nghĩa: Tổ chức Giải Quả bóng Vàng Việt Nam, Giải thưởng Võ Trường Toản.

Đài Tiếng nói nhân dân thành phố (VOH) có Cuộc đua xe đạp truyền thống Nam kỳ Khởi nghĩa tranh cúp phát thanh VOH, Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam, Cuộc thi ca cổ “Bông lúa vàng”, Hội thi Tiếng hát người làm báo với chủ đề “Âm vang vọng cổ”, Chương trình phát thanh thực tế “Sát cánh cùng gia đình Việt”…

Nhiều tham luận tại hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn trong hoạt động báo chí hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt của của mạng xã hội cũng như tình trạng báo hoá tạp chí, biểu hiện tự chuyển hoá; nhiều thông tin hướng đến giật gân, câu khách, không đảm bảo tính chính trị, tính nhân văn…

Theo các đại biểu, đại dịch COVID-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội của các cơ quan báo chí trên môi trường số.

Bình luận