Theo Tuổi Trẻ Online, tại cuộc họp, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết về phương án sơ tán dự kiến khi bão đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam.
Trường hợp bão mạnh, sẽ cho sơ tán gần 190.000 dân. Nếu là siêu bão thì sẽ là hơn 380.000 người.
Nhằm chủ động ứng phó, tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương tuyên truyền, sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế.
Rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Các lực lượng, phương tiện trong trạng thái sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam báo cáo số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt động trên biển hiện có tổng cộng 54 tàu với 2.300 lao động, trong đó tại khu vực vùng biển quần đảo Trường Sa 50 tàu. 4 phương tiện ở Hoàng Sa trong tình trạng đáng lo ngại khi hoạt động tại khu vực nguy hiểm, cách bờ 140 - 180 hải lý, đang cơ động xuống phía nam, dự kiến 4h chiều mai sẽ vào bờ.
Do 3 năm qua tỉnh chưa có cơn bão nào lớn đổ bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương không được chủ quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề nghị phải nâng cao tinh thần "4 tại chỗ", lực lượng biên phòng phải thông báo thường xuyên cho tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến cơn bão để người dân, cơ quan đơn vị biết phòng chống.