Bệnh nhân L.V.H (33 tuổi, Vĩnh Phúc) phát hiện mắc viêm gan B cách đây 1 năm và được chỉ định điều trị thuốc kháng virus. Bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng virus 9 tháng.
3 tháng gần đây, anh tự ý dừng thuốc và chuyển sang điều trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc mua trên mạng.
Trước vào viện 2 tuần, anh H. thấy có các biểu hiện mệt mỏi tăng dần, ăn ngủ kém, vàng da, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu nên đã đi khám và điều trị tại y tế cơ sở nhưng tình trạng bệnh cải thiện chậm. Bệnh nhân tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị hủy hoại tế bào gan trong tình trạng rất nặng (xét nghiệm men gan tăng gấp 35 lần so với chỉ số bình thường), ứ mật nặng (xét nghiệm sắc tố mật tăng gấp 11 lần), chức năng gan suy giảm nghiêm trọng (PT 20%, albumin 23 g/l, rối loạn đông máu, tiểu cầu thấp…).

Bác sĩ Trần Minh Quân cho hay bệnh nhân mới dùng thuốc kháng virus được 9 tháng nên chưa đủ để ức chế được virus viêm gan B. Bệnh nhân đang điều trị mà tự ý ngưng thuốc tới 3 tháng liên tục là rất nguy hiểm.
“Virus viêm gan B có thể bùng phát nhanh chóng và gây tổn thương gan trên diện rộng do đó có thể làm cho người bệnh tử vong vì suy gan cấp nếu không được điều trị kịp thời. Rất may là bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, tình trạng bệnh đã dần được cải thiện, hiện sức khỏe đã ổn định”
Các bác sỹ khuyến cáo virus viêm gan B tấn công vào tế bào đích là tế bào gan, là thủ phạm gây nên bệnh viêm gan B mạn tính. Nếu không theo dõi và điều trị phù hợp thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
Người mắc bệnh gan nên cẩn thận với các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được quảng cáo trên mạng internet, để tránh mất tiền và tránh bị ngộ độc gan cấp. Nhiều trường hợp đã phải vào viện cấp cứu, lọc máu, ghép gan, thậm chí tử vong vì ngộ độc gan cấp do dùng các thuốc này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày toàn cầu ghi nhận hơn 3.500 người tử vong do viêm gan virus (còn gọi là viêm gan siêu vi). Đáng lo ngại, con số này đang tiếp tục gia tăng và các nước cần hành động khẩn cấp để ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong lớn thứ 2 thế giới này.
Số liệu tổng hợp từ 187 nước cho thấy số người tử vong do căn bệnh viêm gan virus tăng lên 1,3 triệu người trong năm 2022 so với mức 1,1 triệu của năm 2019.