Theo báo cáo mới nhất từ Kaspersky Security Network (KSN), trong năm qua, hệ thống của họ đã ngăn chặn hơn 19,8 triệu mối đe dọa mạng, giảm gần 10 triệu vụ so với năm 2023.
Xu hướng này phản ánh những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong việc củng cố an ninh mạng. Cụ thể, số vụ tấn công bị ngăn chặn trong năm 2022 và 2021 lần lượt là 42 triệu và 63,5 triệu vụ, giảm mạnh so với năm 2018, thời điểm ghi nhận 110 triệu vụ tấn công mạng. Sau 7 năm, số vụ tấn công đã giảm còn chỉ bằng 1/5 so với trước đó.

Theo ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á của Kaspersky, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu an ninh mạng quốc gia năm 2025, trong đó có giám sát và bảo vệ không gian mạng. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đã đạt số điểm ấn tượng 99,74 trên Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index 2024) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), một minh chứng cho những nỗ lực vượt bậc của quốc gia trong lĩnh vực này.
Dù ghi nhận bước tiến trong an ninh mạng, Việt Nam vẫn đối mặt với tình trạng tấn công giả mạo và lừa đảo trực tuyến. Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, chỉ trong năm 2024, người dân mất 18.900 tỷ đồng vì các vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Một trong những phương thức tấn công phổ biến nhất mà tin tặc sử dụng là tấn công phi xã hội (social engineering) – khai thác thông tin cá nhân mà người dùng chia sẻ trên mạng để tạo ra các kịch bản lừa đảo tinh vi. Những trang web giả mạo thường đưa ra các lợi ích hấp dẫn để dụ nạn nhân nhấp vào liên kết chứa mã độc hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) còn giúp tin tặc tạo ra các chiêu thức lừa đảo tinh vi hơn, khiến nhiều người mất cảnh giác.
Trước thực trạng này, các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng:
- Không tải hoặc cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng.
- Thường xuyên cập nhật phần mềm để bảo vệ thiết bị khỏi các lỗ hổng bảo mật.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
- Cẩn trọng khi nhấp vào đường link lạ, ngay cả khi được gửi từ người quen.
- Tạo mật khẩu mạnh, kết hợp với xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ tài khoản.
Dù tấn công mạng giảm, tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn gia tăng, đòi hỏi mỗi người phải nâng cao nhận thức và chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò ngày càng tinh vi trên không gian mạng.