“Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel” diễn ra ngày 16/8.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam và Israel còn nhiều dư địa để phát triển, có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, thúc đẩy thương mại tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3-4 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.
Cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel, các mặt hàng gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả…
Sau Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Israel (gọi tắt là VIFTA) được ký kết tháng trước sẽ góp phần mang lại những lợi ích và cơ hội to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Ngoài ra, về đầu tư, với thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, phía Việt Nam hy vọng các doanh nghiệp Israel sẽ nghiên cứu và sớm có các dự án đầu tư mới tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như: điện tử, hóa chất, năng lượng, công nghiệp... đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm…
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cuối tháng 9, đầu tháng 10 sẽ có đường bay thẳng giữa Hà Nội và Israel do Vietjet thiết lập, đây là một trong những kết quả đầu tiên của VIFTA.