Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vụ AIC: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù; Cựu bí thư, chủ tịch Đồng Nai 9-11 năm tù

(VOH) - Ngày 24/12, sau 4 ngày xét hỏi, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC đã kết thúc phần xét hỏi chuyển sang tranh tụng.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 người khác bỏ trốn trước khi bị khởi tố vẫn bị truy tố và đưa ra xét xử. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án.

VKS đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14-15 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù.

Cùng hai tội danh trên, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) bị đề nghị lần lượt 13-14 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp 25-27 năm tù.

Cả hai bị cáo Nhàn và Hà hiện đang bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã.

Bị cáo Trần Đình Thành (cựu bí thư tỉnh Đồng Nai) bị đề nghị 10-11 năm tù về tội nhận hối lộ. Cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái bị đề nghị 9-10 năm tù về cùng tội danh trên.

Vụ AIC: Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù; Cựu bí thư, chủ tịch Đồng Nai 9-11 năm tù 1
Cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế) bị đề nghị hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lần lượt 9-10 năm tù và 10-11 năm tù, tổng hợp hình phạt 19-21 năm tù.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu phó tổng giám đốc Công ty AIC) bị đề nghị 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bồ Ngọc Thu bị đề nghị 4-5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nhóm bị cáo còn lại là cán bộ của tỉnh Đồng Nai bị đề nghị mức án thấp nhất từ 30 tháng đến cao nhất 5 năm tù.

Theo VSK trong 36 bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 người khác đang bỏ trốn gây khó khăn trong quá trình giải quyết toàn diện của vụ án.

Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú nhưng không có kết quả.

Theo cơ quan công tố, việc tòa án đưa các bị cáo đang bỏ trốn ra xét xử là kịp thời và cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật “trốn cũng không thể thoát được”.

Bình luận