Xem xét cơ chế đặc thù đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

VOH - Sáng 14/2, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đọc tờ trình, kiến nghị cho phép Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện dự án.

Chính phủ đề nghị được áp dụng hình thức hợp đồng "chìa khóa trao tay", chọn nhà thầu theo quy trình rút gọn ngay sau khi Quốc hội chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (dự kiến tại kỳ họp tháng 5/2025).

Hợp đồng này gồm lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công và được mua bảo hiểm cho thiết bị, vật tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra bản hợp đồng còn có điều kiện về cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho khối lượng nạp đầu tiên.

140220250926-a1
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.  

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông Lê Quang Huy cho rằng việc áp dụng chỉ định gói thầu "chìa khóa trao tay" là hợp lý. Song hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.

Để giảm thiểu rủi ro, ông đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ hiệu quả hình thức hợp đồng này. Chính phủ cần bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, nhất là cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án. Ngoài ra, danh sách, tiêu chí chọn nhà thầu cần được công khai để tăng minh bạch và có chế tài nghiêm ngặt nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép đàm phán đồng thời với các đối tác đã thực hiện để ký Hiệp định liên Chính phủ, thỏa thuận hợp tác và tín dụng xuất khẩu Nhà nước tài trợ xây nhà máy này. Quá trình này cũng thực hiện song song với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.

Điện hạt nhân là dự án quy mô lớn, Việt Nam chưa từng triển khai trước đây nên ông Lê Quang Huy cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, giảm rủi ro, với mục tiêu "đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết".

Về cơ chế về phương án tài chính và thu xếp vốn thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất được đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp/ công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án; Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án di dân, tái định cư.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất các cơ chế về áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật và hướng dẫn kỹ thuật; các định mức, đơn giá; cơ chế cho phép các chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn.

Cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án.

Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

140220250930-a5
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khi thẩm tra nội dung này đề nghị Chính phủ làm rõ việc đánh giá tài sản, giữ lại lợi nhuận sau thuế để bổ sung vốn tự có hay đối ứng là hoàn toàn phục vụ cho triển khai dự án điện hạt nhân, chứ không phải mục đích khác.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác có liên quan; giải pháp kiểm soát sử dụng vốn vay hiệu quả.

Hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đặt tại tỉnh Ninh Thuận, nên Chính phủ đề nghị hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Tỉnh có thể được áp dụng chỉ định thầu tư vấn, thi công các gói thầu dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân.

Ninh Thuận được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân.

Với các cơ chế đề xuất này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý cần quy định rõ mục tiêu dùng vốn, cơ chế giám sát để tránh mất cân đối ngân sách, rủi ro nợ công.

Bình luận