Đăng nhập

Xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng: tiền - hậu bất nhất

(VOH) - Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay tình hình xây dựng sai phép diễn ra khá phức tạp. 9 tháng đầu năm 2010, Thanh tra xây dựng các quận huyện đã phát hiện và xử lý gần 2.900 trường hợp vi phạm xây dựng. Trong đó, hơn phân nửa là xây dựng không phép.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ xây dựng sai phép, không phép “nở rộ” là do nhiều nguyên nhân. Ngoài việc thiếu nghiêm minh trong xử lý sai phạm, thiếu sự kiểm soát của cán bộ địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai, còn có những nguyên do thuộc về  cơ chế, chính sách…

Một vụ cưỡng chế nhà xây dựng nhà không phép. (ảnh: VNN).

Ngày 5/7/1994, Chính phủ ra Nghị định 60 quy định những công trình xây dựng không phép, sai phép từ thời điểm này trở về trước thì được hợp thức hóa. Còn những trường hợp vi phạm từ thời điểm đó trở về sau thì xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm trên thực tế gặp nhiều lúng túng nên ngày 22/4/2002, UBND TP ra Chỉ thị 08 mở hướng đi cho những công trình sai phạm từ thời điểm 5/7/1994 trở về sau. Đến ngày 1/7/2004 thì Luật Xây dựng có hiệu lực. Những tưởng từ thời điểm này việc xây dựng và cấp phép xây dựng sẽ được thực hiện nghiêm theo pháp luật, nhưng từ đó cho đến nay thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện hơn 11.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép. Kể từ ngày 1/5/2009 thì một trường hợp vi phạm áp dụng 2 Nghị định để xử lý: Nghị định 23 của Chính Phủ quy định phạt tiền đối với trường hợp vi phạm, và thông tư 24 cho phép xem xét cụ thể đối với từng trường hợp, được phép tồn tại hay không tồn tại công trình sai phép. Có lẻ việc liên tục nới lỏng về luật pháp khiến không ít người dân có tâm lý: cứ sai phạm rồi sẽ được tháo dỡ bằng các văn bản pháp luật. Hiện nay, việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng áp dụng theo Nghị định 180: "đình chỉ thi công hoặc buộc tháo dỡ phần sai phạm, khôi phục đúng hiện trạng như trên giấy phép". Nhưng việc xử lý trong thực tế vẫn không thiếu những “ngoại lệ”, mà điển hình là việc tòa nhà Bảo Việt ở số 233 Đồng Khởi được đặc cách cho tồn tại phần xây dựng sai phép gần 400 mét vuông để trồng cây xanh, thay vì dỡ bỏ theo quy định của pháp luật. Theo ông Lưu Trung Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận 1, thì với những quy định hiện hành, có thể hoàn toàn xử lý tới nơi tới chốn đối với những trường hợp sai phạm trong xây dựng, vấn đề nằm ở chỗ sự kiên quyết của các cơ quan chức năng. Ông Lưu Trung Hòa nói:

Không chỉ ở khu vực trung tâm thành phố, giá trị sử dụng đất cao nên người dân cố tình vi phạm trong xây dựng nhằm tăng lợi nhuận, mà tình hình xây dựng sai phép ở các quận, huyện vùng ven như quận Bình Chánh, quận 12, huyện Hóc Môn cũng phổ biến. Các quận huyện này đều lý giải chung một nguyên nhân là: do khu vực ngoại thành đang trong tốc độ công nghiệp hóa, kéo theo nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân là rất lớn nên nhiều hộ gia đình bất chấp pháp luật, lén lút xây dựng phòng trọ cho công nhân thuê. Riêng quận 12, trong 9 tháng đầu năm 2010, đã phát hiện và xử lý 247 trường hợp vi phạm xây dựng, tập trung nhiều nhất ở phường Hiệp Thành. Theo ông Lê Tấn Tài - Chánh Thanh tra xây dựng quận 12 thì:  trên địa bàn quận có nhiều trường hợp xây dựng lén lút vào ban đêm, hoặc tiến hành xây dựng vào ngày nghỉ, dịp lễ… có khi chỉ trong 1- 2 ngày đã xây hoàn chỉnh 1 căn nhà. Nhiều trường hợp vi phạm nhiều lần, bị lập biên bản đình chỉ thi công, tạm giữ phương tiện nhưng người dân vẫn lén lút xây dựng, thậm chí có những trường hợp đã bị cưỡng chế nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Tuy nhiên, không phủ nhận những nguyên nhân từ yếu tố chủ quan, ông Lê Tấn Tài nói:

Ở các quận, huyện ngoại thành, thì tình trạng xây dựng sai phép còn có một nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất đai của cán bộ phường, xã, gây nên tình trạng phân lô bán nền trái phép đất nông nghiệp của một số đầu nậu đất đai, rồi từ đó người dân có nhu cầu về nhà ở, mua đất rồi lén lút xây dựng. Điển hình như từ khi tên Phan Văn Mập - đầu nậu khét tiếng trong lĩnh vực đất đai tại phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân bị bắt vào tháng 6/2010 thì tình hình xây dựng trái phép trên phường này đã giảm 60%.  Quận Bình Tân được xem là địa phương có nhiều biện pháp cứng rắn với tình trạng xây dựng sai phép, đặc biệt là chủ trương của Ủy ban Nhân dân là luân chuyển công tác của Thanh tra xây dựng phường này sang công tác tại phường khác, phải chăng đó là một cách nói không với quen biết, với dây mơ rễ má trong việc xử lý sai phạm xây dựng vốn đã tồn tại lâu nay? Một biện pháp để giảm tình trạng xây dựng sai phép, không phép mà ông Lê Tấn Tài, Chánh Thanh tra xây dựng quận 12 đưa ra là Cải cách hành chính trong lĩnh vực cấp phép xây dựng.

Trong khi các văn bản pháp luật liên tục tháo gỡ cho người dân trong lĩnh vực sai phạm trong xây dựng, thì lực lượng chính chịu trách nhiệm về vấn đề này lại chưa được chuẩn hóa và cả trách nhiệm của chính quyền xã, phường trong việc quản lý sử dụng đất đai chưa được làm rõ, thì vấn nạn sai phạm trong xây dựng sẽ còn là một bài toán đầy thách thức. Nếu muốn chấn chình tình trạng sai phạm tràn lan trong xây dựng, đảm bảo quy hoạch, đảm bảo phát triển, thì nhất thiết phải tạo được tính thống nhất, đồng bộ về pháp lý, về cơ chế và nghiêm minh hơn trên tinh thần thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cũng như trong quản lý sử dụng đất đai. Đây cũng là lổ hở của luật pháp, tạo đièu kiện thuận lợi cho tiêu cực phát sinh trong quản lý và thanh tra xây dựng./.

Bình luận