Chờ...

Xuất khẩu lao động năm 2023 cao nhất từ trước đến nay

VOH - Bộ LĐ- TB&XH ước tính cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, cao nhất từ trước đến nay và tăng 8,55% so với năm 2022.

Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, trong đó từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.

Bình quân mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt khoảng 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.

Bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Năm 2023, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.

Một số địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.

Ước tính cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022.

xkld
Năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, cao nhất từ trước đến nay - Ảnh minh họa

Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ), trong đó thị trường Nhật Bản: 74.354 lao động (31.592 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc): 54.769 lao động (16.820 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.830 lao động (537 lao động nữ), Trung Quốc: 1.785 lao động nam (02 lao động nữ), Hungary: 1.463 lao động (695 lao động nữ), Singapore: 1.333 lao động nam, Romania: 804 lao động (143 lao động nữ), Ba lan: 760 lao động (136 lao động nữ) và các thị trường khác.

Năm 2023 tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.

Ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, Bộ đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...

Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Đến nay, Bộ đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.

Bộ cũng nghiên cứu quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa..., nhằm tận dụng sở trường của người lao động.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là tạo điều kiện cho nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.