Tiêu điểm: Nhân Humanity

Yêu cầu báo cáo vụ án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên bưu điện

(VOH) – Ngày 6/7, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có Thông báo số 151/TB-VKSTC yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TPHCM kiểm tra lại, báo cáo rõ vụ án Hồ Duy Hải giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) xảy ra vào ngày 13/1/2008

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng yêu cầu hai đơn vị của viện là Cơ quan điều tra (Cục 1) và Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) kiểm tra, báo cáo lãnh đạo viện về những điểm mâu thuẫn trong vụ án này.

Theo bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (nay là TAND Cấp cao tại TPHCM), do thua cá độ đá bóng, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đã đến Bưu điện Cầu Voi ra tay giết hai nữ nhân viên của bưu điện là chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân để cướp tài sản của nạn nhân. Tháng 4/2009, tòa án cấp phúc thẩm quyết định tuyên y án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An, xử phạt Hồ Duy Hải mức án tử hình về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Hội đồng thi hành án tỉnh Long An đã có Quyết định thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải; nhưng ngày 4/12/2014, một ngày trước ngày dự kiến thi hành án, Hải được tạm hoãn thi hành án.

Bị án Hồ Duy Hải

Cho rằng Hồ Duy Hải bị oan, gia đình Hồ Duy Hải và luật sư đã gởi đơn kêu cứu nhiều nơi, yêu cầu làm rõ về việc hồ sơ vụ án có dấu hiệu làm sai lệch.

Theo nội dung đơn, hồ sơ vụ án đã rút bỏ kết luận giám định về dấu vân tay và diễn giải sai lệch về kết quả giám định dấu vân tay; tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng về chiếc xe máy của nhân chứng Đinh Vũ Thường và lời khai về kích thước con dao của Hải dùng để cắt cổ nạn nhân.

Ngoài ra, vụ án còn bị rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một người đặc biệt quan trọng, có dấu hiệu liên quan đến cái chết của hai nạn nhân. Theo đơn tố cáo, người đó là Nguyễn Văn Nghị - người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị, tuy nhiên sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách nhân chứng.

Một tình tiết khác, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt, các cơ quan đã trưng cầu giám định 4 tang vật: dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro; nhưng cơ quan điều tra chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 4 kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận về “than tro” thu được tại nhà Hải. Phần sử dụng này lại cắt bỏ phần nội dung quan trọng nhất: “Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard”.

Điều này cho thấy chưa thể kết luận Hải đốt thắt lưng, quần áo, simcard sau khi gây án như quan điểm của các cơ quan tố tụng. Trong khi đó, các kết luận giám định còn lại (máu, lông tóc) thể hiện không có sự liên quan đến Hồ Duy Hải thì không được đưa vào.

Tại bản kết luận giám định số 158 ngày 11/4/2008 kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.

Từ những căn cứ pháp lý trên, luật sư và gia đình Hồ Duy Hải đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét để làm rõ bản chất vụ án.

Bình luận