Phát hiện này được coi là vô cùng đặc biệt, mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử khu vực.
Sự việc xảy ra tại Bremen, một thành phố phía bắc nước Đức. Cậu bé tên Bjarne đang chơi đùa trong hố cát của trường thì vô tình đào lên được một đồng bạc cũ kỹ. Bjarne lập tức mang "kho báu" về nhà khoe với cha mẹ. Sau khi kiểm tra, gia đình cậu đã liên hệ với chính quyền và các nhà khảo cổ học để xác minh giá trị của đồng tiền.
Theo nhà khảo cổ học Uta Halle, đồng bạc này là đồng denarius La Mã, được đúc dưới thời Hoàng đế Marcus Aurelius Antoninus, người trị vì từ năm 161 đến năm 180 sau Công nguyên. Đồng tiền nặng 2,4 gram, mang giá trị lịch sử đặc biệt vì nó ra đời trong giai đoạn "xuống cấp tiền tệ" của Đế chế La Mã, khi hàm lượng bạc trong tiền xu bị giảm đáng kể do lạm phát.
Bremen không nằm dưới sự cai trị của Đế chế La Mã trong lịch sử, do đó việc phát hiện đồng tiền La Mã tại đây là khá hiếm gặp. Các chuyên gia giải thích rằng đồng tiền có thể xuất hiện ở Bremen nhờ vào hoạt động buôn bán giữa người La Mã và bộ tộc Chauci, một dân tộc cổ xưa sinh sống trong khu vực này.
Uta Halle, trưởng khoa tiền sử và lịch sử sơ khai tại Bảo tàng Focke ở Bremen, cho biết: "Phát hiện này thực sự đặc biệt vì đây là một trong số ít lần đồng denarius được tìm thấy ở vùng đất chưa từng bị La Mã chiếm đóng. Nó mang lại nhiều thông tin thú vị về mối liên hệ giữa người bản địa và Đế chế La Mã."
Theo quy định của Đạo luật Bảo vệ Di tích Bremen, các vật phẩm có giá trị lịch sử hoặc khảo cổ được tìm thấy trong khu vực đều thuộc về nhà nước. Vì vậy, Bjarne không thể giữ đồng xu La Mã này dù cậu là người đầu tiên phát hiện. Tuy nhiên, để ghi nhận công lao của cậu, các nhà khảo cổ đã tặng Bjarne hai cuốn sách về khảo cổ học nhằm khuyến khích niềm đam mê khám phá.
Đồng bạc quý hiếm này dự kiến sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Focke, nơi bà Halle làm việc. "Chúng tôi mong muốn đồng denarius sẽ được lưu giữ tại đây để mọi người có thể chiêm ngưỡng và hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng," bà Halle nói.