Khỉ đòi quyền sở hữu ảnh tự sướng
Một vụ kiện "có một không hai" vừa được khép lại sau khi thẩm phán Liên bang Mỹ tuyên bố "Khỉ thì không có quyền đòi quyền sở hữu ảnh tự sướng". Theo đó, chú khỉ đuôi dài Macaca có tên Naruto sẽ không có quyền sở hữu pháp lý cho những bức ảnh tự sướng bản thân bởi lý do nó là động vật, không phải nhân tố con người.
Nhiếp ảnh gia thiên nhiên người Anh - David Slater và tấm ảnh tự sướng của chú khỉ.
Các bức ảnh này được chụp trong một chuyến đi đến đảo Sulawesi năm 2011 của nhiếp ảnh gia thiên nhiên người Anh - David Slater. Theo như PETA mô tả trong vụ kiện thì chú khỉ này đã "cố ý nhấn nút chụp nhiều lần, hiểu được “nguyên do-kết quả” sau khi nhấn nút chụp, biết rõ tiếng ồn của màn trập, và sự thay đổi hình ảnh của nó trong ống kính máy ảnh".
Còn với nhiếp ảnh gia Slater, thì cho rằng chính ông đã thiết lập để có được điều đó, dựng chân máy và giữ nó trong suốt quá trình chú khỉ bấm máy.
Hiện tại, các bức ảnh tự sướng này được phân phối miễn phí rộng rãi ở nhiều nơi khác nhau, trong đó có cả bách khoa toàn thư Wikipedia, trang web cho rằng không ai sở hữu bản quyền hình ảnh được chụp bởi một con vật, mà không phải là con người.
Cậu bé được khỉ đột cứu mạng
Một câu chuyện cách đây 30 năm khiến cả nước Anh bàng hoàng và cảm động: Chú khỉ đột Jambo cao 2,1m che chở cho cậu bé nằm bất tỉnh dưới đất, xung quanh là bầy khỉ gorilla hung hăng.
Jambo tiến sát Levan khi cậu bé rơi xuống đất.
Vụ việc xảy ra ngày 30/8/1986, khi gia đình Levan ghé thăm vườn thú Jersey. Cậu bé Levan vô tình sảy chân và rơi từ độ cao 6m xuống chuồng khỉ bên dưới. Levan nằm bất tỉnh dưới đất. Jambo, một chú khỉ gorilla lưng xám to lớn đã đến gần cậu bé.
Jambo cao khoảng 2,1m, nặng 115kg là một con đực gorilla tiến sát Levan đang nằm bất động trên sàn xi măng. Điều khiến những người có mặt chứng kiến bàng hoàng nhất chính là việc Jambo canh chừng cậu bé trước những con khỉ khác đang vây xung quanh.
Jambo qua đời năm 1992 và được tạc tượng đồng tưởng nhớ về hành động "anh hùng" này.
Cấy ghép thành công đầu khỉ ở Trung Quốc
Một nhà giải phẫu thần kinh học tuyên bố đã cấy ghép thành công đầu khỉ mà không để lại bất kỳ tổn thương thần kinh nào. Ca cấy ghép diễn ra ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).
Ca cấy ghép đầu khỉ tiến hành ở Đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Người thực hiện ca cấy ghép là tiến sĩ người Ý Sergio Canavero và nhóm phẫu thuật của ông đã công bố một đoạn video cho thấy con khỉ được ghép đầu. Các mũi khâu vẫn còn nhìn thấy rõ quanh cổ con vật.
Theo Mirror, mấu chốt của ca cấy ghép là bằng cách nào nối được phần tủy sống giữa đầu với cơ thể mới. Các nhà khoa học đã dùng hợp chất polyethylene glycol để nối tủy sống. Tuy nhiên, kế hoạch cấy ghép đầu người đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Tiến sĩ Canavero dự định sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới cho Valery Spiridonov, một người Nga 31 tuổi bị mắc bệnh teo cơ.
Tiến sĩ Canavero khẳng định những lần ghép đầu thành công trên khỉ cho thấy tham vọng ghép đầu của một người vào cơ thể người hiến là điều khả thi. Theo ông, ca phẫu thuật mang tính đột phá này có thể được thực hiện vào cuối năm 2017 và đây được xem là giải pháp giúp chữa trị hoàn toàn tình trạng tê liệt cơ bắp ở người.
Khỉ mẹ cưu mang chú chó nhỏ
Một câu chuyện về tình mẫu tử giữa khỉ mẹ và chó con ở thị trấn Rode, Ấn Độ sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn thiện cảm về loài động vật "đặc biệt" này.
Khỉ mẹ cưu mang chú chó nhỏ như chính con đẻ của mình.
Sự việc bắt đầu khi khỉ mẹ thấy chó con tội nghiệp lâm vào cảnh mồ côi, nó quyết định nhận nuôi chú chó nhỏ như máu mủ của mình. Không chỉ vậy, khỉ mẹ còn tận tình chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho đứa con nuôi đáng thương. Nó thậm chí không ngại gây gấn với đám chó hoang, chỉ để đánh đổi sự bình yên cho con trai nhỏ bé.
Hình ảnh khỉ mẹ tận tâm cưu mang chó con thật sự đã chạm đến tim nhiều người dân trong vùng. Họ sẵn sàng tiếp tế thức ăn, nước uống mỗi khi thấy cặp mẹ con hoàn cảnh này ở bất cứ đâu.
Loài khỉ có môi trái tim căng mọng
Môi đỏ gợi cảm giờ đây không chỉ là biểu tượng tình yêu cháy bỏng giữa con người, mà còn là vũ khí bí mật của khỉ mũi hếch khi đến mùa giao phối.
Tuổi tác cũng góp phần ảnh hưởng tới sắc tố và độ căng của môi.
Loài vật này chỉ sống theo từng nhóm nhỏ với chỉ một con đực duy nhất (OMO – one male unit) nhưng chúng thường kết hợp với nhiều nhóm khác thành bầy đàn gồm 500 cá thể.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng, cứ đến mùa giao phối, đôi môi của chúng sẽ tự động căng mọng, đầy đặn hơn bình thường. Đặc biệt, môi càng sáng thì chúng lại càng dễ thu hút bạn tình, đồng thời khẳng định địa vị trong xã hội và là tín hiệu ngầm để chúng cạnh tranh với đối thủ khác và tuổi tác cũng góp phần gây ảnh hưởng tới màu môi của chúng.
Chú tinh tinh vẽ tranh bằng... lưỡi
Brent là nghệ sĩ tinh tinh đã đoạt giải nhất trong cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật của Trung tâm Thế giới Tinh tinh, bang Louisiana, Mỹ.
Mỗi khi bắt tay vào một tác phẩm, trông Brent như đang mơ màng trong cơn buồn ngủ. Điều đặc biệt là chú tinh tinh này chỉ vẽ bằng lưỡi mà thôi. Chính phong cách nghệ thuật đặc biệt này đã giúp Brent tạo được dấu ấn của riêng mình. Tuy không sử dụng bút lông theo lối thông thường nhưng những tác phẩm của Brent vẫn được đánh giá khá cao.
Vì sử dụng lưỡi làm cọ vẽ nên màu vẽ Brent sử dụng phải được đảm bảo là loại màu an toàn dành cho trẻ em.
Phát hiện khỉ đột và lạc đà trên sao Hỏa
Mister Enigma, một người đam mê tìm kiếm vật thể lạ không xác định trong vụ trụ, gần đây đã phát phát hiện hai khối đá có hình thù giống động vật trong bức ảnh do tàu thăm dò Curiosity của NASA chụp trên bề mặt sao Hỏa.
Hai khối đá được cho là có hình thù giống khỉ đột và lạc đà trên sao Hỏa.
Trong bức ảnh được Mister Enigma đăng tải lên mạng, khối đá lớn được nhuộm màu nâu có hình giống một con khỉ đột trong khi khối đá nhỏ có hình một con lạc đà.
Trước đó, những vật thể kỳ lạ hình giống kỳ nhông, kim tự tháp, xương động vật hay thậm chí là cả người ngoài hành tình,... cũng từng được chỉ ra trong các bức ảnh do tàu thăm dò của NASA chụp trên bề mặt sao Hỏa.
Hoa phong lan mặt khỉ
Trong chuyến tham quan tới trang trại Ecuagenera chuyên trồng hoa phong lan ở Ecuador, Brian Shandra, một nhà hóa học đến từ thành phố Boston của Mỹ, đã tình cờ phát hiện thấy những bông hoa phong lan có hình giống mặt khỉ.
Loài hoa phong lan khiến Brian Shandra và những thành viên trong đoàn của anh ngạc nhiên có tên khoa học là "dracula simia" hay còn được gọi là loài hoa phong lan mặt khỉ. Chúng thường được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới trên độ cao 2.000 ở Peru và Ecuador.
Hoa phong lan mặt khỉ thường sống trong các khu rừng nhiệt đới trên độ cao 2.000 ở Peru và Ecuador.
Trên những đỉnh núi cao đầy mây phủ, hoa phong lan mặt khỉ có thể nở vào bất cứ mùa nào thay vì một mùa nhất định khi trồng ở những nơi thấp hơn. Hoa của chúng có mùi giống với mùi cam chín rất hấp hẫn.