Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nửa thế kỷ lưu lạc, anh em sinh đôi đoàn tụ

VOH - Gia cảnh túng quẫn, cậu bé Hoàng Văn Phúc được cha mẹ gửi vào cô nhi viện năm lên 2 tuổi với hy vọng có bữa cơm no.

56 năm sau, ông tìm lại được người em trai song sinh trong hành trình đầy xúc động.

Năm 1966, tại Phan Rang, Ninh Thuận, vợ chồng nghèo khó đón cặp song sinh Nguyễn Chân và Nguyễn Chận. Không đủ gạo ăn, họ quyết định gửi cậu con trai lớn Nguyễn Chân vào cô nhi viện, hy vọng sau này đỡ nghèo sẽ đón con về.

Tuy nhiên, việc chia cắt khi cả hai vừa tròn 2 tuổi đã mở ra 56 năm lưu lạc trong cuộc đời của ông Hoàng Văn Phúc (tên cũ là Nguyễn Chân).

sinh doi_voh
Ông Hoàng Văn Phúc (tên cũ là Nguyễn Chân) bên trái cùng người em song sinh Nguyễn Chận trong ngày đoàn tụ, tháng 1/2025. Ảnh: Kết nối yêu thương

Sau ngày đất nước thống nhất, cô nhi viện nơi ông Phúc đang ở bị giải thể. Cậu bé được chuyển đến một cô nhi viện khác cách đó hơn 100 km. Nhớ bà sơ từng nuôi nấng, Phúc tìm cách bỏ trốn. Năm 1977, cậu rủ một người bạn trèo tường trốn khỏi cô nhi viện với mong muốn tìm lại bà sơ và hỏi thăm tin tức cha mẹ.

Tuy nhiên, bà sơ lập tức sắp xếp cho Phúc làm con nuôi một gia đình gần đó. Nhưng tại đây, cậu không được đi học mà chỉ làm việc chăn bò, cắt cỏ. Sau ba năm, thấy cậu bị đối xử tệ, bà sơ gửi cậu đến một gia đình khá giả ở Đắk Lắk với hy vọng tương lai sẽ tốt hơn.

Tại đây, cậu bé Nguyễn Chân được đổi tên thành Hoàng Văn Phúc. Dù cha mẹ nuôi đối xử tử tế, một sự cố mất tiền đã khiến Phúc bị nghi ngờ và đổ oan. Bị đánh mắng, cậu bỏ nhà đi. Dù cha mẹ nuôi sau đó nhận ra lỗi lầm và tìm cách bù đắp, nỗi uất ức đó đã khơi dậy trong lòng Phúc khát khao tìm lại gia đình ruột thịt.

Trong khi đó, ở Phan Rang, ông Nguyễn Chận vẫn sống cùng gia đình nghèo khó. Sau khi cha đột ngột qua đời ở Đồng Nai, mẹ ông một mình tần tảo nuôi ba người con còn lại, trong đó có Nguyễn Chận. Quá túng quẫn, người em út của ông cũng được đem cho làm con nuôi và mất liên lạc từ đó.

Hai chị gái của ông Chận sau này lần lượt qua đời vì bệnh tật, khiến ông sống cô quạnh, không người thân bầu bạn. "Tết nhất càng thêm buồn tủi khi không còn cha mẹ, anh chị em", ông nói.

Dù mẹ ông Chận luôn mong mỏi tìm lại đứa con trai lớn và phần mộ của chồng, gia đình không có khả năng thực hiện điều đó. Chính ông Chận, vì nghèo khó và mù chữ, cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.

Gần đây, hàng xóm của ông Nguyễn Chận đã hỗ trợ chia sẻ câu chuyện của ông lên mạng xã hội. Cuối tháng 12/2024, ông Hoàng Văn Phúc, khi đó đang sống ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, bất ngờ nhận được video về người đàn ông giống hệt mình.

Xem video, ông Phúc xúc động liên hệ với người đăng tải để tìm hiểu. Kết nối các thông tin, cả hai nhận ra mình là anh em song sinh. Cuộc trò chuyện đầu tiên qua điện thoại khiến cả hai phát hiện nhiều điểm chung, từ cách nói chuyện, sở thích ăn uống đến cả những triệu chứng đau đầu, sổ mũi giống hệt nhau.

Đầu tháng 1/2025, ông Phúc cùng gia đình vượt hơn 200 km về Phan Rang để gặp người em thất lạc. Cả hai ôm chầm lấy nhau, nước mắt rơi trên gương mặt của hai người đàn ông đã bước sang tuổi xế chiều.

Họ cùng đến thăm mộ người mẹ đã qua đời 7 năm trước, nghẹn ngào báo tin đứa con trai bị gửi đi cô nhi viện nay đã trở về.

Giờ đây, ông Phúc và ông Chận đang tiếp tục hành trình tìm kiếm người em út bị đem cho làm con nuôi năm xưa để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của mẹ.

"Không phải ai cũng gặp cái kết có hậu khi tìm người thân, nhưng nếu còn cơ hội, hãy thử một lần", ông Phúc xúc động nói.

Bình luận