Cùng với thời tiết cực đoan, hàng trăm người dân bất ngờ lên cơn hen suyễn cấp tính, đẩy các bệnh viện địa phương vào tình trạng quá tải.
Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, hiện tượng thời tiết hiếm gặp này là một phần trong chuỗi biến động khí hậu đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực phía nam nước này, với mưa đá, gió mạnh và bão cát xảy ra liên tiếp trong những ngày đầu tháng 4. Tuy nhiên, số lượng tia sét ghi nhận trong một đêm ở Trùng Khánh được đánh giá là mức cao bất thường, chưa từng có trong nhiều năm qua.

Chỉ trong khoảng thời gian từ 1h đến 5h sáng 11/4, Bệnh viện Đa khoa trực thuộc Đại học Y Trùng Khánh đã tiếp nhận 310 bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp, chủ yếu do hen suyễn khởi phát trong cơn giông. Trong cùng thời điểm, Bệnh viện Y học cổ truyền Trùng Khánh ghi nhận thêm 120 trường hợp tương tự.
Phòng cấp cứu các bệnh viện trở nên quá tải chỉ trong vài giờ. Nhiều bệnh nhân trong tình trạng khó thở, thở khò khè, ho liên tục. Các y bác sĩ phải hoạt động hết công suất suốt đêm, tăng cường nhân lực để phân luồng và điều trị kịp thời.
Bà He, cư dân quận Giang Bắc, kể lại rằng cơn ho của bà bắt đầu ngay khi sấm sét và gió mạnh xuất hiện ngoài cửa sổ vào rạng sáng. Triệu chứng nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, khiến bà phải đến bệnh viện trong đêm. Sau khi được thăm khám, bà được chẩn đoán mắc “hen suyễn do giông bão” và lập tức nhập viện. Đến sáng hôm sau, tình trạng sức khỏe của bà dần ổn định, tuy nhiên bác sĩ vẫn yêu cầu tiếp tục theo dõi.
Hiện tượng “hen suyễn do giông bão” đang ngày càng phổ biến trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mức độ ô nhiễm không khí tăng cao. Đây là dạng hen suyễn cấp tính xuất hiện trong hoặc sau cơn giông, thường xảy ra vào mùa phấn hoa. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như ho dữ dội, khó thở, tức ngực hoặc thở rít, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Bác sĩ Triệu Lâm, Phó khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Trùng Khánh, cho biết: “Khi giông bão hình thành, gió mạnh và luồng không khí lạnh sẽ cuốn các hạt phấn hoa, bào tử nấm mốc từ mặt đất lên không trung. Dưới tác động của độ ẩm và sét, các hạt này vỡ ra thành các phân tử siêu nhỏ, dễ dàng xâm nhập sâu vào đường hô hấp và gây ra phản ứng dị ứng nặng”.
Những người có tiền sử viêm mũi dị ứng theo mùa được xác định là nhóm nguy cơ cao nhất. Theo nghiên cứu tại bệnh viện, có đến 60-99% bệnh nhân bị hen do giông bão từng mắc viêm mũi dị ứng, đặc biệt trong giai đoạn phấn hoa phát tán mạnh vào đầu xuân.