Tiêu điểm: Nhân Humanity

5 tip | mẹo ứng dụng công nghệ cực hữu ích cho việc học mọi học sinh nên biết

(VOH) - 5 tips / mẹo ứng dụng công nghệ cực hữu ích cho việc học mọi học sinh nên biết.

Năm học mới đã bắt đầu rồi, hãy bổ sung ngay 5 mẹo ứng dụng công cụ công nghệ sau đây để có thể tiết kiệm thời gian cho việc giải bài tập và thực hiện những bài thuyết trình cực ấn tượng khiến cả lớp trầm trồ.

1.Giải bài tập Toán - Lý - Hóa nhanh chóng

Mỗi khi có một câu hỏi gì, người đầu tiên bạn tìm đến chắc chắn sẽ là... "bác Gúc"! Bên cạnh tìm kiếm thông tin, Google Tìm Kiếm còn có một số những khả năng đặc biệt có thể giúp bạn làm bài tập nhanh hơn rất nhiều, đặc biệt là với các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa.

Đừng bao giờ mất thời gian kẻ bảng hoặc tính nhẩm để đổi các đơn vị nữa, Google Tìm Kiếm có thể giúp bạn đổi đơn vị nhanh chóng ngay trên đầu kết quả tìm kiếm với cú pháp: “756,89 dm = mm”; “89 pound sang kg”; “250 dặm sang km”; “432 ha = km2”

Giải bài tập Toán - Lý - Hóa nhanh chóng
 

Với môn toán, Google Tìm Kiếm sẽ là một công cụ hữu hiệu để kiểm tra nhanh kết quả tính, hoặc có được đáp án một cách nhanh chóng. Bạn chỉ cần nhập một dãy phép tính bất kỳ, Google sẽ lập tức trả về cho bạn kết quả, nhanh và chính xác không thua gì một chiếc máy tính bỏ túi.

Google có thể tính toán từ biểu thức cộng trừ nhân chia, đến mũ, căn nhiều bậc hay sin-cos-tan. Điểm khác biệt duy nhất là Google không dùng các ký hiệu toán học dạng hình mà dùng các hàm trong ngôn ngữ lập trình (dạng chữ). Chẳng hạn như sqrt(x) cho căn bậc 2 thay vì ⎷(x), hay abs(x) thay cho |x|.

Tuy nhiên, vẫn còn một thứ nữa mà Google làm được, còn máy tính bỏ túi thì không, đó là kiểm tra kết quả đồ thị hàm số. Bạn chỉ cần nhập hàm số, Google sẽ trả về ngay hình dạng đồ thị tương ứng.

Giải bài tập Toán - Lý - Hóa nhanh chóng
 

2.Chép đề cương không còn là ác mộng

Sử dụng Google lens để chép đề cương
 

Mỗi mùa thi, việc gõ và soạn đề cương luôn là một vấn đề đau đầu của học sinh, sinh viên từ cấp 2 đến đại học. Với Google Ống kính (Google Lens), học sinh, sinh viên và cả phụ huynh có thể sao chép trực tiếp văn bản từ tập vở hay tài liệu giấy, bảng kê và sách giáo khoa vào điện thoại để tiết kiệm thời gian và công sức.

Đặc biệt hơn, Google Ống kính thậm chí có thể nhận diện văn bản từ chữ viết tay, theo đó, các học sinh có thể sao chép văn bản ngay từ chính tập vở ghi chép trên lớp của mình và tạo đề cương một cách dễ dàng và nhanh chóng chỉ bằng một chiếc smartphone, dĩ nhiên với điều kiện đó là một quyển “vở sạch chữ đẹp” để Ống kính dễ nhận ra chữ viết tay và chuyển chúng thành văn bản số.

3.Làm bài tập nhóm tiện lợi

Sử dụng Google Meet đề làm bài tập nhóm
 

Thời kỳ cách ly vừa rồi đã chứng minh rằng khoảng cách không còn là trở ngại đối với việc làm việc nhóm. Nếu trước đây, việc học nhóm thường bị hạn chế bởi việc chênh lệch thời gian biểu, khoảng cách địa lý giữa các thành viên, thì giờ đây, phạm vi lựa chọn đã được mở rộng hơn rất nhiều khi mọi việc đều có thể làm trực tuyến.

Thay vì sử dụng các phần mềm văn phòng offline trên máy như Word, Excel, Powerpoint, hãy thay bằng bộ ba công cụ trực tuyến như Google Docs, Sheets và Slides để mọi thành viên đều có thể làm việc trực tiếp trên cùng 1 file bất cứ lúc nào mà không phải mất thời gian chờ đợi nhau. Ngoài ra, tính năng lưu tự động và lưu lịch sử chỉnh sửa còn giúp tránh các sự cố mất dữ liệu có thể khiến cả nhóm công cốc hoặc tốn nhiều thời gian hơn.

Cần phải thảo luận gấp ngay trước ngày thuyết trình nhưng bạn thì đang phải trông em ở nhà, còn nhóm của bạn mỗi đứa một nơi? Một ‘phòng họp’ đa năng và bảo mật Google Meets có thể được tạo mọi lúc mọi nơi, tính năng chia sẻ màn hình cũng giúp nhóm học kết nối và làm việc nhanh chóng và hiệu quả.

4.Không bao giờ quên lịch thi/ kiểm tra

Note lịch kiểm tra, thi vào Google
 

Một trong những sai lầm đa số học sinh đều mắc phải là không bao giờ ghi nhớ lịch kiểm tra, lịch thi vì “đã có đứa bàn bên”, hoặc chỉ ghi chú sơ sài vào đâu đó để rồi quên mất. Trong khi đó, nếu đã sở hữu một chiếc smartphone, chỉ cần cài đặt nhanh ứng dụng Lịch, nhập ngày kiểm tra ngay khi thầy cô vừa dặn dò, thêm ghi chú nội dung bài cần học, cài đặt thông báo nhắc nhở trước 1 tuần, 3 ngày hay 1 ngày để luôn luôn có đủ thời gian chuẩn bị bài học một cách tốt nhất. Không những vậy, bạn có thể ‘mời' cả nhóm vào cùng một thông báo để không ai bị bỏ lại phía sau, và đặt chế độ thông báo trước ngày kiểm tra bài.

5.Sáng tạo bài thuyết trình cực đỉnh

Hãy quên đi những bài thuyết trình nhàm chán với những hình ảnh tĩnh khô khan. Thay vào đó, mở rộng phạm vi tìm kiếm những nguồn tài nguyên chất lượng, từ ảnh 360 độ, mô hình AR thực tế tăng cường đến video VR, ảnh vệ tinh và những bộ câu đố thú vị có sẵn theo những gợi ý dưới đây.

Đối với bài thuyết trình cho môn địa lý, Google Earth và Google Maps sẽ là hai nguồn tài nguyên cực kỳ phong phú để bạn khai thác. Google Earth đem đến cho người dùng trải nghiệm trực quan về một trái đất qua hình ảnh 3 chiều (3D) tại địa chỉ này ngay trên trình duyệt web Chrome.

Tăng hấp dẫn bài thuyết trình bằng Google Earth
 

Tính năng Google Earth Voyager như một ‘thư viện trái đất' sở hữu kho tài nguyên đồ sộ những chương trình giới thiệu các chuyến tham quan, trò chơi, câu đố và các lớp hướng dẫn đầy tính tương tác mang đến kiến thức sinh động của hành tinh Trái Đất. Còn đối với Google Maps, chế độ xem phố với những hình ảnh 360 độ do người dùng đóng góp sẽ giúp người xem như đích thân có mặt tại địa điểm đó.

Đối với bài thuyết trình Lịch sử, đừng bỏ qua Google Arts and Culture, nơi hàng nghìn công trình kiến trúc và hàng triệu cổ vật văn hóa lịch sử được số hóa thành các dạng nội dung tương tác để bạn có thể dễ dàng tìm hiểu và chiêm ngưỡng, từ các tour du lịch ảo đến nhiều thể loại game khác nhau.

Sử dụng Google Arts đề có nhiều tài nguyên thuyết trình hơn
 

Sự tiến bộ của công nghệ đang giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn trong rất nhiều khía cạnh, bao gồm cả học tập. Vì thế, trong năm học mới này, các bạn học sinh đừng ngại học và thử áp dụng những cách thức mới để việc học trở nên hiệu quả và thú vị hơn.

Bình luận