Tiêu điểm: Nhân Humanity

Facebook cùng nhiều mạng xã hội gỡ bỏ các thông tin sai lệch về vắcxin ngừa Covid-19

(VOH) - Ngày 3/12, mạng xã hội Facebook tuyên bố sẽ gỡ bỏ các nội dung đăng tải thông tin sai lệch về vắcxin phòng Covid-19.

Trong tuyên bố này, Facebook cho biết chính sách của công ty gỡ bỏ những thông tin sai lệch về mức độ an toàn, tính hiệu quả, thành phần và tác dụng phụ của các vắcxin ngừa Covid-19 được thực thi nhằm hạn chế những thông tin giả trên mạng gây ra những tổn thất thật về sức khỏe cho con người.

Facebook lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các loại thông tin giả mạo liên quan vắcxin ngừa Covid-19 nếu các thông tin đó không được các tổ chức y tế tên tuổi công nhận hoặc mâu thuẫn với thông tin của các cơ quan y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hay Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

vắcxin phòng Covid-19
Các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nội dung sai sự thật về vắcxin phòng Covid-19 (Ảnh: Science News).

Trước đó, để chống thông tin sai lệch liên quan vắcxin ngừa Covid-19, Facebook đã làm cho người dùng khó tìm kiếm thông tin sai lệch về vắcxin Covid-19 hơn bằng cách “hạ cấp” mức độ thông tin và nhờ vậy, những thông tin đó sẽ ít hiển thị hơn trên trang dữ liệu tin của người dùng (newsfeeds).

Facebook từ lâu đã cân nhắc có nên tham gia vào việc phân định đâu là thông tin đúng và đâu là thông tin sai trên nền tảng trực tuyến của hãng hay không bởi người đứng đầu công ty, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã nhiều lần tuyên bố “không muốn trở thành trọng tài phân xử cho những nội dung thông tin đăng trên mạng của ông.”

Tuy nhiên, Zuckerberg đã chủ động có chính sách chống thông tin giả liên quan tới đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra các sản phẩm và công cụ mới để thông tin cho công chúng về những mối nguy hiểm tiềm tàng của virus SARS-CoV-2.

Hiện tại, khi vắcxin Covid-19 đang chuẩn bị được triển khai trên toàn cầu, các hãng công nghệ cũng đối mặt với bài kiểm tra lớn nhất của mình trên mặt trận tin giả. Trong khi đó, Báo cáo từ Trung tâm chống phát ngôn thù hận (CCDH) hồi tháng 7 chỉ ra các mạng lưới anti vắcxin có tới 58 triệu người theo dõi, chủ yếu tại Mỹ, Anh, Canada và Australia. Báo cáo cũng chỉ trích các mạng xã hội vì chỉ hành động ở mức tối thiểu để ngăn chặn nội dung sai sự thật.

Thực tế hiện nay ngoài Facebook, các mạng xã hội khác cũng đã bổ sung chính sách liên quan tới tin giả vắcxin Covid-19.

Phát ngôn viên Twitter cho biết, công ty vẫn đang cân nhắc chính sách và sản phẩm ngay trước khi vắcxin được cấp phép đưa vào sử dụng. Từ năm 2018, Twitter đã bổ sung lời nhắc, dẫn người dùng đến nguồn tin y tế chính thống khi tìm kiếm liên quan tới vắcxin.

Mạng xã hội cũng đưa ra chính sách chi tiết về nội dung sai sự thật và gây nhầm lẫn về Covid-19. Twitter nhấn mạnh, đang tập trung loại bỏ thông tin sai sự thật về Covid-19 như lan truyền tin giả, về hiệu quả của khẩu trang.

Vào tháng 10, YouTube cập nhật chính sách, trong đó có gỡ bỏ video chứa tin giả về vắcxin Covid-19. Chẳng hạn, nền tảng sẽ xóa video khẳng định vắcxin gây chết người hay vô sinh. Người phát ngôn YouTube cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và cập nhật chính sách nếu cần.

TikTok nói sẽ xóa nội dung sai sự thật liên quan tới Covid-19 và vắcxin, bao gồm nội dung anti vắcxin. Công ty thực hiện một cách chủ động và thông qua báo cáo của người dùng. TikTok cũng hợp tác với các tổ chức xác thực sự thật như Politifact, Lead Stories, SciVerify và AFP để đánh giá mức độ chính xác của nội dung.

Trên các video liên quan tới đại dịch – dù gây hiểu nhầm hay không, TikTok đều thêm nhãn “Tìm hiểu sự thật về Covid-19” để dẫn người dùng tới trung tâm thông tin từ các nguồn chính thống như WHO.

Bình luận