Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mai này còn ai nuôi dạy trẻ?

(VOH) - Hiện, TP.HCM vẫn đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên mầm non bởi tốc độ dân số cơ học tăng cao, mỗi năm đều đưa vào sử dụng nhiều trường mới. Hơn bao giờ hết, cơ hội nghề nghiệp đối với bậc học mầm non rộng mở nhưng dường như bậc học này đã và đang ngày một giảm sức hút – bởi nhiều nguyên nhân.

Nghề giáo viên mầm non hiện có quá nhiều áp lực (Ảnh: VOH Online)

Vì thiếu hụt giáo viên, một số trường ngoài công lập phải sử dụng những giáo viên chỉ qua đào tạo cấp tốc hoặc sử dụng bảo mẫu thay thế. Hậu quả nhãn tiền là những vụ bạo hành đánh đập, hành hạ trẻ đã xảy ra đây đó. Đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Song từ trường hợp cá biệt này, vô hình trung xã hội đang có cái nhìn phiến diện, thiếu thiện cảm cả với những người làm nghề chân chính. Không ít phụ huynh bị ám ảnh với ý nghĩ, hễ mình vừa quay lưng đi là giáo viên đã lén lút đánh đập, hành hạ con mình.

Khó có thể kể ra hết nỗi vất vả của giáo viên mầm non. Trong xếp hạng những nghề áp lực nhất ở Mỹ, thì giáo viên mầm non chỉ đứng sau bác sỹ đa khoa và cảnh sát. Điều này lý giải vì sao nhiều giáo viên mầm non chọn cách “nhảy việc” dù vẫn yêu trẻ em. Kết quả khảo sát trên 300 giáo viên ở các trường mầm non tư thục của anh Nguyễn Xuân Thời, chủ đầu tư trường mầm non quốc tế Thế giới trẻ thơ mới đây cho thấy: có đến 80% người được hỏi mong muốn có một công việc khác hơn so với công việc hiện tại. Lí do đầu tiên được nêu ra là vì áp lực công việc.

Có người ví von rằng, nếu mỗi đứa trẻ trong gia đình được ví như cục vàng của ông bà, cha mẹ; thì mỗi ngày các cô giáo, bảo mẫu phải giữ gìn cả trăm cục vàng như thế. Dạy dỗ cùng lúc 30-40 trẻ trong một lớp không phải chuyện dễ, đằng này còn phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Có những lúc trẻ tị nạnh, có khi đánh nhau, một vài vết cào xước cũng khiến cô giáo căng thẳng, lo lắng suốt buổi, suy nghĩ ăn nói làm sao với phụ huynh.

Rồi có không ít hôm cha mẹ đến đón con muộn, phải trấn an trẻ, để trẻ không rơi vào cảm giác bị bỏ rơi. Có phụ huynh trẻ ốm, nóng sốt nhưng lại không có thời gian chăm sóc, lại khoán cho các cô lo giúp…các cô cũng không nỡ từ chối. Nhưng có lẽ điều các cô phải canh cánh bên lòng mỗi khi đến trường là làm thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng của học trò. Các bé còn quá ngây thơ để nhận thức được những việc làm của mình tốt hay xấu nên trong mỗi hành động đều tiềm ẩn những nguy cơ.

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non không phải 8 tiếng mà thực tế phải lên tới 10 tiếng mỗi ngày. Ban ngày chăm sóc trẻ, tối về lo soạn giáo án. Rồi hằng tuần phải rửa đồ chơi, mỗi tháng lau nhà, cọ rửa từng khe gạch... Đau đầu hơn là vấn đề thanh tra, kiểm tra của trường và của Phòng Giáo dục, nội dung thì vô bờ bến, từ nề nếp học sinh, thói quen vệ sinh của trẻ, môi trường lớp, chất lượng học sinh cho đến sổ sách của cô và trẻ. Điểm làm nên sự khác biệt của bậc mầm non với các bậc học khác là các tiết học đều được thổi vào tinh thần vừa học vừa chơi nên giáo viên phải đầu tư, chuẩn bị rất nhiều để biến môn học khô cứng thành trò chơi. Mỗi ngày, các hoạt động này luôn thay đổi, đòi hỏi giáo viên phải dành ra toàn bộ thời gian của mình, thậm chí tự bỏ tiền để hoàn thành chúng.

Nhưng áp lực công việc vẫn không bằng áp lực đến từ phía phụ huynh, ban giám hiệu và từ XH. Phụ huynh luôn muốn là con họ được chăm sóc tốt nhất. Nhiều giáo viên tâm sự: Phụ huynh vào rước con, nhiều khi chẳng thèm nhìn mặt cô giáo là ai. Chưa kể, nhiều người quá cưng chiều trẻ khiến việc giáo dục, răn dạy các em của cô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chuyện phụ huynh đi thẳng vô lớp đánh bé vì dám ngắt nhéo con mình không phải chuyện hiếm. Lại còn có một số trường còn lắp camera trong phòng học để trấn an phụ huynh khiến các cô cảm thấy tủi thân, ức chế vì không được tôn trọng và tin tưởng.

Và, không giống các bậc học khác, giáo viên mầm non không thể mở lớp dạy thêm nên chỉ sống bằng lương. Muốn tăng thêm thu nhập cho bản thân bằng nghề khác cũng không thể, vì sau giờ dạy đã mệt nhoài. Nhiều cô thu nhập không đủ chi tiêu phải nhận làm công tác bán trú để có thêm tiền. Chính mức lương thấp đã khiến có phụ huynh nghĩ rằng trẻ sẽ không được quan tâm nếu phụ huynh không bồi dưỡng cho cô giáo. Cho đến nay, xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của bậc học này, thậm chí là xem cô giáo mầm non như những "osin có bằng cấp".

Tuy có nhiều khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống nhưng điều đáng phấn khởi là không ít giáo viên mầm non quyết theo nghề vì yêu trẻ, tìm được niềm vui trong công việc bởi tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ mà quên hết muộn phiền. Chân dung giáo viên mầm non rất dễ nhận ra giữa các bậc học khác. Đó là sự trẻ trung, trong mắt trẻ, họ như những thiên thần, yêu thương học sinh và được học sinh yêu thương lại một cách hồn nhiên. Vậy nên đừng để động lực ấy bị tàn lụi, đừng để chỉ vì một vết xước, một vết muỗi đốt trên người trẻ, làm cô giáo mầm non phải căng thẳng lo sợ phụ huynh trách cứ, nghi ngờ…

Nếu hỏi bất kỳ người nào trong số họ về mong ước của mình, thì hẳn sẽ nhận được chung một câu trả lời: Đó là sự quan tâm hơn nữa của các cấp có thẩm quyền, có chế độ ưu đãi, chế độ chính sách dành riêng cho giáo viên mầm non; là sự quan tâm chia sẻ của phụ huynh để cùng thực hiện tốt công tác nuôi dạy trẻ. Vì các cô vừa là cô giáo, vừa là mẹ hiền.

Và chỉ mong dư luận đừng quá khắt khe với họ.... Nếu không thì e rằng mai này còn ai nuôi dạy trẻ.

Bình luận