Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sáng tạo trong khu vực công góp phần phòng chống dịch Covid-19

(VOH) - Giải thưởng I-Star 2021 đang đề cử nhiều giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn cao, có thể nhân rộng đến cộng đồng.

Trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay, sự chuyển đổi của khu vực công có ảnh hưởng tích cực rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Đó chính là tăng cường tính minh bạch và chất lượng phục vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân, củng cố niềm tin của người dân và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát quyền lực Nhà nước. Ngoài ra, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 cũng phát sinh yêu cầu thực hiện chuyển đổi số để triển khai ở cấp cơ sở. Đáng chú ý, UTrafficMIS đang được Kênh giao thông đô thị (95,6MHz) của Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) sử dụng để phục vụ cộng đồng.

Ảnh: BTC I-Star 2021
Ảnh: BTC I-Star 2021

UBND Quận 6 (TPHCM) đã triển khai Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 nhằm tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và công chức, cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính, từ đó giảm dần việc trực tiếp nộp và nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa (do hệ thống hoạt động liên tục 24 giờ).

Hệ thống có khả năng tiếp nhận và giao trả hồ sơ giấy tự động – liên tục phục vụ 24/7 cho 05 thủ tục hành chính: (1) Đăng ký thành lập hộ kinh doanh; (2) Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; (3) Tạm dừng hoạt động hộ kinh doanh; (4) Cấp lại giấy phép xây dựng; (5) Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng. Hệ thống cũng thực hiện trả kết quả đối với 08 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 không thu phí gồm: (1) Thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh; (2) Thủ tục Đăng ký Nội quy lao động; (3) Thủ tục Gửi thỏa ước lao động tập thể; (4) Cấp giấy phép đào đường vỉa hè; (5) Cấp giấy phép tạm sử dụng vỉa hè; (6) Gia hạn cấp phép đào đường, vỉa hè; (7) Xác nhận nhà không thuộc diện nhà nước quản lý; (8) Thẩm định bản vẽ hiện trạng nhà ở.

Với việc tạo thêm một kênh giải quyết thủ tục hành chính mới giữa người dân và chính quyền trong việc thực hiện các dịch vụ hành chính công, để người dân, tổ chức chủ động trong lựa chọn hình thức thực hiện, Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 không chỉ giúp tăng hiệu quả phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của công chức trong giải quyết thủ tục hồ sơ. Mặt khác, giải pháp này giúp giảm áp lực tiếp nhận nhiều hồ sơ, nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ, ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà.

Sáng tạo trong khu vực công góp phần phòng chống dịch Covid-19 2
Ảnh: BTC I-Star 2021

Trong khi đó, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) kết hợp các công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng, có thể tạo ra những ứng dụng đa dạng phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và người dân. Tác giả Vũ Hoàng Thương (TP.HCM) đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng giải pháp “Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, GIS mã nguồn mở và trí tuệ nhân tạo trong quản lý đất đai” nhằm tạo điều kiện sử dụng và khai thác dữ liệu đất đai đơn giản và dễ dàng ở nhiều Văn phòng Đăng ký Đất đai ở TP.HCM, tỉnh Bình Định…

Các module phân hệ chức năng chính của giải pháp gồm: module tiếp nhận hồ sơ một cửa; module quản lý, vận hành cấp phát số thửa cho từng hồ sơ thửa đất; module quản lý, vận hành kho hồ sơ cấp giấy chứng nhận; module quản lý bản đồ tập trung theo công nghệ mã nguồn mở; module quản lý hồ sơ quét cấp giấy chứng nhận; module quản lý cơ sở dữ liệu đất đai tập trung; module giám sát người dùng; module quản lý cơ sở dữ liệu đất đai sử dụng công nghệ điện toán đám mây Cloud Computing, kết hợp công nghệ nguồn mở theo hướng bảo mật, truy xuất mọi lúc mọi nơi, trên các thiết bị khác nhau. Giải pháp này cũng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp hỗ trợ dự đoán xu hướng thị trường bất động sản; xây dựng công cụ phân tích, đánh giá phục vụ công tác điều hành, quản lý của cơ quan nhà nước về tình hình đất đai địa bàn.

 Thực tế, cơ sở dữ liệu còn tính quyết định cho quá trình triển khai các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển hạ tầng số phục vụ người dân. Điển hình là Hệ thống cảnh báo ùn tắc giao thông đô thị dựa vào dữ liệu từ cộng đồng UTraffic của nhóm nghiên cứu ở Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM thực hiện.

UTraffic là bộ sản phẩm phần mềm gồm 3 thành phần: ứng dụng di động UTrafficMobile, ứng dụng web UTrafficPortal, hệ thống thông tin quản lý về tình trạng giao thông UTrafficMIS. Trong đó, UTrafficMobile và UtrafficPortal là các nền tảng hỗ trợ thu thập dữ liệu dựa vào cộng đồng, hiển thị và cảnh báo tình trạng giao thông, hỗ trợ tìm đường tối ưu… Còn UTrafficMIS đang được Kênh giao thông đô thị (95,6MHz) của Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) sử dụng để phục vụ cộng đồng.

Tính hiệu quả của UTraffic được thể hiện thông qua khả năng ước lượng và dự báo tình trạng giao thông chính xác và kịp thời bằng các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn và học máy, cảnh báo tình trạng ùn tắc giao thông cho người dân một cách kịp thời và hỗ trợ tìm đường hiệu quả có tính đến tình trạng giao thông. Người dùng cũng có thể lấy dữ liệu về tình trạng giao thông trong TP.HCM (theo khu vực tự chọn, trong khoảng 6 giờ) để phục vụ hoạt động nghiên cứu, quản lý…

Hoạt động chuyển đổi số ở cấp cơ sở đều bắt nguồn từ việc giải quyết những nhu cầu của người dân, dịch chuyển dần các hoạt động nghiệp vụ sang môi trường số. Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2021 (I-Star) đang tiếp tục nhận hồ sơ và đề cử những giải pháp công nghệ sáng tạo tăng cường khả năng tương tác và sự hài lòng của người dân, phục vụ chuyển đổi số trong khu vực công và phục vụ cộng đồng. 

Bình luận