Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam

(VOH) - Top ba đội chiến thắng vòng chung kết mùa giải đầu tiên của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam được công bố sáng 29/9.

Top ba đội chiến thắng vòng chung kết mùa giải đầu tiên của Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam được Qualcomm Technologies Inc., công ty con trực thuộc Tập đoàn Qualcomm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ công bố sáng 29/9 tại Lễ trao giải trực tuyến Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2021.

Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 1

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu.

Cuộc thi đã mang đến cho 9 công ty khởi nghiệp đầy triển vọng các chương trình huấn luyện kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và khuyến khích việc nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế và chọn ra 3 đội chiến thắng được nhận tổng giải thưởng tiền mặt có giá trị 225.000 đô la Mỹ.

Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2
Giải nhất thuộc về Công ty trách nhiệm công nghệ và tự động hóa Rostek.

Các đội chiến thắng Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2021 gồm:

Giải nhất thuộc về công ty trách nhiệm công nghệ và tự động hóa Rostek. Theo đó, phương tiện tự hành dẫn đường tự động (AGV) của Rostek là robot giúp vận chuyển hàng hóa trong nhà kho và trên sàn nhà máy. Trong tương lai, kế hoạch của Rostek là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự động, hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng trong sản xuất, nhà kho thông minh để xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Giải nhì thuộc về công ty trách nhiệm hữu hạn AIOZ Việt Nam. Robot giao hàng trong nhà BeetleBot của AOIZ ứng dụng trí tuệ nhận tạo và giao diện giọng nói để vận chuyển đồ vật như thực phẩm hoặc các kiện hàng ở môi trường trong nhà. BeetleBot đặc biệt thích hợp để sử dụng tại các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ giao hàng ‘tuân thủ’ giãn cách-xã hội.

Giải ba thuộc về hệ thống BusMap của nhóm sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Theo đó, hệ thống camera hỗ trợ bởi trí tuệ nhận tạo với tên gọi bHub của BusMap cho phép người dùng theo dõi các yếu tố an toàn khi điều khiển phương tiện, bổ sung khả năng giám sát và nhận dạng hình ảnh trên thiết bị, giúp đảm bảo an toàn cho cả người lái và hành khách.

Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 3
Lễ trao giải trực tuyến Cuộc thi Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2021

Ông Thiều Phương Nam, Giám đốc quốc gia Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá: “Trải qua những hoàn cảnh khó khăn nhất, các bạn đã kiên trì đạt những thành tựu lớn lao, đây là tinh thần của sự đổi mới sáng tạo, đây là tinh thần của Qualcomm, đây là tinh thần của Việt Nam. Tôi rất vinh dự được thông báo rằng, cuộc thi thử thách đổi mới sáng tạo Qualcom 2022 hiện nay đã được mở cho các ứng viên đăng ký. Các bạn vui lòng truy cập vào trang web của Qualcomm để tìm hiểu thêm về thử thách, quy trình tham gia tiêu chí đánh giá và đăng ký tham gia chương trình”.

Tiến sĩ An Mei Chen, Phó Chủ tịch Kỹ thuật, mảng sáng chế công nghệ Qualcomm nhìn nhận, các công ty và ngành công nghệ đang từng bước đổi mới, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

“Từ một doanh nghiệp sản xuất tự động hóa, chăm sóc sức khỏe, sản xuất ô tô, năng lượng và các lĩnh vực khác, việc sở hữu một chu kỳ đổi mới kinh doanh dẫn đến các dịch vụ và cách tương tác với khách hàng thuận lợi hơn. Công nghệ 5G là một trong những sáng kiến và công nghệ điển hình làm được điều đó. Sau 1 thập kỷ thử nghiệm, 5G đã ra đời bào năm 2019 giúp cho doanh số doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, ngay cả trong thời điểm dịch hoành hành” - Tiến sĩ An Mei Chen nói.

Theo bà An Mei Chen, dự kiến đến năm 2025, mạng 5G sẽ kết nối toàn cầu và chiếm 50% tổng lượng dữ liệu di động. Công nghệ di động sẽ mang lại doanh số khoảng hơn 3 ngàn tỷ đô la Mỹ. Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá:

“Những chương trình như Thử thách Đổi mới Sáng tạo Qualcomm Việt Nam đã và đang mang tới cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam sự hỗ trợ cả về tri thức, nguồn lực và hệ sinh thái của các tập đoàn công nghệ để sẵn sàng tiếp cận tới thị trường toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang thúc đẩy và hình thành đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để đặt đề bài và tài trợ nguồn lực cho các giải pháp đổi mới sáng tạo. Thông qua nỗ lực này, các tập đoàn công nghệ trong nước, nước ngoài quan tâm và có nhiều hoạt động hỗ trợ hơn nữa cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ hết sức quan trọng. Mới đây, Việt Nam được tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới xếp hạng 44/132 quốc gia về chỉ số về đổi mới sáng tạo, đây là nỗ lực lớn thể hiện tín hiệu tích cực của Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bình luận