Lý giải những “cái sai” của "chủ nhân" 4 con chó dữ
Xoay quanh câu chuyện 4 con chó cắn chủ, anh Phan Thanh Long – Huấn luyện viên Trung tâm huấn luyện chó PDS đã phân tích những cái “sai” mà người chủ mắc phải. Đây cũng là những cái “sai” chung của không ít người nuôi chó tại Việt Nam.
Một cảnh quay ghi lại cảnh đàn chó tấn công chủ (Ảnh: Cắt từ video)
Trước tiên, cần phải nhắc lại quy định chung những người nuôi chó cần tuân thủ. Theo Nghị định năm 2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định: Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; phải xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh.
Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi người nuôi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh, tiêm phòng dịch bệnh theo quy định của cơ quan chức năng...
Trong khi đó, người chủ bị tấn công trong video đã đưa chó ra đường mà không rọ mõm, không đeo dây xích cổ cho cả 4 con (chỉ có 3 con đeo xích, 1 con không đeo).
Với các loại dữ dằn như 4 con chó (trong video) giống Dobermann và Rottweiler - 2 loại chó thuộc hàng “cơ bắp”, chuyên để canh gác - điều này càng cần thiết hơn bởi theo anh Long “bất cứ con chó dữ nào khi được rọ mõm và đeo xích đầy đủ, chúng sẽ biết là bị kiềm chế và tự thuần xuống, bớt hung hăng hơn”.
Ngoài ra, một điều sai lầm nữa là người chủ thả chó đi lung tung trong khu dân cư, nơi đông người qua lại và đường hẹp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho những người dân sống quanh khu vực này (con chó đã nhiều lần tấn công người dân trong xóm), đồng thời, mất an toàn cho chính chủ nếu họ không đủ năng lực và kỹ thuật để kiểm soát tình hình.
Ở khía cạnh là người huấn luyện chó lâu năm, anh Long nhận định, khi người chủ bị chó dữ tấn công, có thể xảy ra một số nguyên nhân như: không hiểu về giống chó, tập tính chó, chó không được huấn luyện đến nơi đến chốn hoặc nuôi sai phương pháp…
Câu hỏi đặt ra chó là loài vật cực kì trung thành tại sao lại cắn chủ? Trường hợp này, người chủ đã nuôi 4 con chó cực dữ, lại là hai giống chó khác nhau. Trong khi theo khuyến cáo chung, nếu nuôi chó dữ, người ta chỉ nên nuôi không quá 2 con cùng giống, nuôi ngay từ khi con chó còn nhỏ (từ 1,5 – 4 tháng tuổi) và người chủ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc, dạy dỗ bằng tất cả tình yêu thương của mình.
Xử lý khi bị chó dữ tấn công
Anh Phan Thanh Long cho biết, theo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp huấn luyện chó tại nước ngoài, trong trường hợp bị chó tấn công, rất khó để chạy thoát. Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp để hạn chế “thiệt hại”.
Các loại chó dữ cần được huấn luyện bài bản để tránh tấn công người (Ảnh: doginforme)
Đó là, khi bị chó tấn công, bạn không nên chạy mà giữ bình tĩnh - đứng yên tại chỗ bởi càng chạy thì chó càng đuổi.
“Lúc này nếu có bất cứ vật gì thì đưa ra cho chó cắn: túi xách, gậy, thậm chí là áo, quần. Vì chó dữ có bản năng tấn công, ném vật dụng về phía con chó nó sẽ nhảy lên cắn liền. Tuy nhiên, người bị tấn công vẫn phải nắm lấy một đầu gậy hoặc túi để kéo lại cho chó tiếp tục cắn, giằng co, như thế chó sẽ không có cơ hội tấn công tiếp được. Sau đó la hét để được giúp đỡ” – anh Long chia sẻ thêm.
Chó có phản xạ nhảy lên cắn, dễ trúng vào các vùng nguy hiểm như vùng cổ, vùng mặt, vì vậy, trong tình huống xấu không thể chống cự thì người bị tấn công phải trở mình để chó cắn vào những vùng bớt nguy hiểm hơn.
Đó là một số cách phản ứng dành cho nữ giới.
Trong trường hợp người bị tấn công là nam giới thì cách xử lý có phần mạnh bạo hơn, đó là dùng vật cứng để chọc thẳng vào tai hoặc mắt chó để con vật này đau, hạn chế cắn lại.
Nếu “bí” quá, hãy để cho chó cắn vào các vị trí ít nguy hiểm nhất như tay hoặc cổ chân, sau đó dùng tay còn lại để chọc vào mắt, vào tai chó. Tuy nhiên điều này có vẻ chỉ dễ dàng với những người phương Tây có vóc dáng cao lớn. Với người Việt thì sẽ khó khăn hơn trong tình huống này.