Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ứng dụng Bluezone có bảo mật thông tin người dùng hay không?

(VOH) - Vấn đề được nhiều người dùng ứng dụng Bluezone đặt ra là tính năng bảo mật của ứng dụng này như thế nào?

Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã triển khai “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone” trên smartphone.

Bluezone là ứng dụng cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.

Khi có một ca nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng cho biết người dùng đã từng tiếp xúc với người này hay chưa nếu cả hai đều dùng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao.

Ứng dụng Bluezone

Ứng dụng Bluezone giúp truy vết các F1, F2 có tiếp xúc với ca mắc Covid-19. (Ảnh chụp màn hình)

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác. Sau một tháng, cả Việt Nam sẽ được bảo vệ.

Bluezone không theo dõi vị trí người dùng

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử "tiếp xúc gần" lên bộ nhớ thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi Bluezone không sử dụng các quyền còn lại. Người dùng cần cấp quyền để có thể ghi nhận các "tiếp xúc gần".

Ứng dụng này không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi người dùng cài đặt Bluezone trên điện thoại Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí do chính sách của Google. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền này.

Ngoài ra, Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không chuyển dữ liệu lên server, không thu thập vị trí người dùng. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.

Phải luôn luôn bật Bluetooth để Bluezone hoạt động hiệu quả

Bluetooth là là chuẩn kết nối các thiết bị được sử dụng rộng rãi hiện nay và đã được chứng minh về tính bảo mật. Việc bật Bluetooth để sử dụng Bluezone là quyền của từng cá nhân. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị để bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng, người dân nên bật Bluetooth để sử dụng Bluezone thường xuyên.

Nếu người dùng tắt Bluetooth, giả sử họ có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 thì sự tiếp xúc này sẽ không được ghi nhận. Số lượng người dùng đủ lớn thì kể cả những người không sử dụng smartphone cũng được bảo vệ.

Trong một số trường hợp kể cả người nhiễm bệnh không sử dụng Bluezone, nhưng họ có bật Bluetooth thì các máy khác cài Bluezone vẫn có thể ghi nhận khi tiếp xúc với máy của người nhiễm bệnh.

Để Bluezone hoạt động hiệu quả, điện thoại phải luôn luôn bật Bluetooth. Tuy nhiên Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp tiết kiệm pin (Bluetooth Low Energy) nên không tốn pin nhiều.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Dù vậy, việc bật Bluetooth để sử dụng ứng dụng Bluezone chỉ tốn khoảng 10% pin điện thoại, rất ít so với việc người dùng sử dụng các ứng dụng khác.

HL (Theo Bộ Thông tin và Truyền thông)

Cài ứng dụng Bluezone để bảo vệ mình và cộng đồng trong mùa dịch Covid-19 - Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone phục vụ công tác phòng chống Covid-19.

Phòng chống Covid-19: Cơ quan nào xử phạt người không đeo khẩu trang, mức phạt bao nhiêu? - Từ ngày 5/8 tới, người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng tại TPHCM sẽ bị xử phạt hành chính.

Cập nhật COVID-19 sáng 4/8: Thêm 10 ca nhiễm liên quan tới Bệnh viện Đà Nẵng - Sáng 4/8, Bộ Y tế thông báo phát hiện thêm 10 ca nhiễm COVID-19. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 652 ca nhiễm COVID-19.

Bình luận