Chờ...

Bé gái vô tình vặn tay ga khiến xe lao về phía trước, người mẹ ngồi sau té xuống tử vong

ĐÀ NẴNG - Công an TP Đà Nẵng vừa đưa ra cảnh báo về những nguy hiểm khi cho trẻ ngồi phía trước xe máy.

Theo Công an TP Đà Nẵng, hiện nay, tình trạng người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy điện để trẻ em ngồi phía trước và tự lên, xuống xe máy đang diễn ra khá phổ biến.

Những hành vi này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, nhất là khi trẻ nhỏ có các hành động như: cười đùa, quay ngang, dọc, bỏ tay không bám vào ghi đông hoặc mải ăn uống… và điều này đặc biệt nguy hiểm cho các em khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông.

tai-nan-051024
Vị trí an toàn cho trẻ khi ngồi trên xe máy.

Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) vừa xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến việc này.

Theo đó, lúc 20h30 ngày 30/9, khi vợ chồng chị L. đứng chờ đón con gái trong trạng thái xe vẫn nổ máy, con gái bước lên xe, vô tình đặt tay lên tay ga, làm xe phóng nhanh về phía trước, chị L. ngồi sau xe té xuống đường.

Hậu quả, chị L. bị chấn thương vùng đầu và tử vong tại bệnh viện.

Qua trường hợp này, công an khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên để trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không thắt dây an toàn khi tham gia giao thông.

Khi cho trẻ tham gia giao thông, cha mẹ lái xe với tốc độ ổn định vừa phải, mang đai chắc chắn nối giữa người lái với trẻ nhỏ.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn. Tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.

Cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Trên thực tế, việc cho trẻ ngồi đâu thì khi tai nạn xảy ra đều sẽ bị ảnh hưởng, nhưng cho trẻ ngồi phía sau, được thắt đai an toàn sẽ làm trẻ ít bị ảnh hưởng hơn khi tai nạn xảy ra.

Cha mẹ xuống xe máy thì phải tắt máy và cho trẻ xuống xe vì khi trẻ ngồi trên xe có thể xảy ra 2 tình huống là xe có thể đổ đè vào người; hoặc nếu xe máy chưa tắt khóa điện, trẻ vô tình động vào tay ga gây tai nạn.

Trẻ nhỏ chưa có ý thức bám vào người lớn, nên khi xe chuyển hướng hoặc đi qua các đoạn đường xóc, trẻ khó giữ được thăng bằng, có thể ngã khỏi xe. Ngoài ra, trẻ có thể vô ý vặn tay ga làm xe di chuyển mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, vị trí sau tay lái là vị trí nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa.

Trẻ chưa đủ tuổi đi xe đạp điện và chưa được đào tạo cách lái xe máy thì không nên đi xe đạp điện, vì xe đạp điện đi với tốc độ tương đối cao và không gây tiếng ồn, khi trẻ đi qua ngã ba, ngã tư không kiểm soát được tốc độ có thể dẫn đến tự ngã hoặc gặp tai nạn.

Để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, phụ huynh cần tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Như vậy mới có thể hạn chế thấp nhất mối nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là cho con trẻ, khi tham gia giao thông.