Chờ...

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số

VOH - “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” được tổ chức từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi toàn quốc.

Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, các cấp Hội triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động để mọi người dân đều hiểu được các chủ trương, chính sách, quan điểm về bình đẳng giới.

Hội LHPN TP cũng tổ chức các hoạt động, các buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm để các tổ chức, đơn vị, cơ quan và người dân hiểu đúng bình đẳng giới, nam giới có trách nhiệm ra sao và đặc biệt phụ nữ phải độc lập, tự tin, mạnh dạn với chính bản thân mình.

Cùng quan điểm này, ông Lê Bằng Yên, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới" ở phường 12, Quận 10 thừa nhận, chính sự phụ thuộc vào kinh tế cũng là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới.

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số 1
Lễ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” - Ảnh: Phương Dung

Theo bà Lý Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Khoa giáo Đài truyền hình TPHCM, mục tiêu tuyên truyền về bình đẳng giới được HTV thể hiện rất rõ, tăng cường số lượng các bài viết về bình đẳng giới, đeo bám tới cùng khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra, nên tận dụng thêm những nền tảng mạng xã hội để vấn đề này được đến với nhiều người hơn.

“Mạng xã hội là xu hướng tất yếu, thậm chí có những lúc lấn át luôn cả truyền thông chính thống. Mạng xã hội phải đồng hành với truyền thông, báo chí chính thống trong công việc chung này” - bà Lý Thu Hiền này tỏ.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM cho biết, 27 năm qua Báo Phụ Nữ TPHCM có hai đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời những thông tin, phản ánh, những trường hợp phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại và thực hiện theo một quy trình rất chặt chẽ từ khâu xác minh đến xử lý rất hiệu quả.

Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ cho biết thêm: “Hiện nay trên 3 ấn phẩm của báo Phụ Nữ đều có chuyên mục tư vấn. Riêng báo Phụ nữ dành tới 4 trang cho chuyên mục “Hôn nhân gia đình”, phản ánh nhiều khía cạnh, nhiều màu sắc của cuộc sống. Bên cạnh những mặt tiêu cực, chúng tôi cũng đẩy mạnh những thông tin tích cực liên quan tới bình đẳng giới, quyền lợi trẻ em”.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM khẳng định: Truyền thông đóng vai trò quan trong trọng việc thúc đẩy bình đẳng giới, có thể xem là chìa khóa để thúc đẩy bình đẳng giới và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

“Sở Thông tin Truyền thông sẽ cùng với các tổ chức, các đơn vị tổ chức những hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội. Các cơ quan truyền thông sẵn sàng tiếp nhận và cùng lên tiếng để tạo nên thông điệp phải xóa bỏ cái tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn” - ông Nguyễn Ngọc Hồi nói.

Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới.