Tiêu điểm: Nhân Humanity

Các ông bố cũng bị trầm cảm sau sinh

VOH - Nghiên cứu mới của Đại học Illinois Chicago (Mỹ) cho thấy, các ông bố dễ bị trầm cảm sau sinh giống như các bà mẹ.

Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Sam Wainwright cho biết: “Rất nhiều ông bố bị căng thẳng. Họ sợ hãi, họ cũng gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc, giữa trách nhiệm của việc làm cha mẹ và trách nhiệm với các đối tác”.

Tiến sĩ Wainwright nói thêm: “Một phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh sẽ có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh hơn nếu cô ấy có bạn đời bị trầm cảm”. 

trầm cảm
Một nghiên cứu mới cho thấy đàn ông cũng có thể bị trầm cảm sau sinh - Ảnh: Getty Images

Các nhà nghiên cứu - với sự cho phép của các bà mẹ - đã kiểm tra 24 người cha và phát hiện khoảng 7 người trong số họ đã “dương tính” với bệnh trầm cảm. Nhìn chung, nó ảnh hưởng đến 15% số ông bố - theo Phòng khám Cleveland.

Các nghiên cứu khác ước tính rằng 8 - 13% những người mới làm cha bị trầm cảm sau sinh.

Tiến sĩ Wainwright cho biết, ông đặc biệt xúc động khi các ông bố đưa các bà mẹ đến chăm sóc tại phòng khám và họ đưa ra những lời tâm sự riêng kiểu như: “Tôi thực sự rất căng thẳng, nhưng tôi không muốn bạn đời của mình biết vì tôi ở đây để hỗ trợ cô ấy”.

Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm hiểu rõ hơn cách để giúp nam giới khỏe mạnh, từ đó các mối quan hệ và gia đình của họ cũng khỏe mạnh”.

Tiến sĩ Wainwright nhấn mạnh rằng, “đàn ông thường không được khỏe sau khi làm cha, nhưng không ai hỏi họ về điều đó”. 

Trầm cảm sau sinh là loại trầm cảm mà những bà mẹ có thể mắc phải sau khi sinh em bé. Bệnh có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong năm đầu sinh con. Nếu bị mắc chứng này, người mẹ sẽ có cảm giác buồn, vô vọng và tội lỗi vì không muốn gắn kết hoặc chăm sóc em bé.

Bệnh trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác hại lớn đến cả người mẹ và em bé. Một số hậu quả của trầm cảm sau sinh từ mức độ nhẹ đến nặng như:

  • Bị mất ngủ, chán ăn khiến cho sức khỏe sa sút, tinh thần và trí tuệ kém minh mẫn, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày.
  • Không muốn gần gũi, nói chuyện với đứa bé khiến cho đứa bé thiếu đi tình thương và sự chăm sóc từ mẹ, lâu dần ảnh hưởng đến khả năng phát triển và trí tuệ.
  • Có dấu hiệu rối loạn tâm thần sau sinh bao gồm suy nghĩ lẫn lộn, cảm xúc thất thường, ảo giác, hoang tưởng...
  • ‘Sát hại con mình’ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh. Những người sinh con ngoài ý muốn, sử dụng chất gây nghiện hoặc thù hận với bố đứa trẻ thường có hành vi này. Nhiều trường hợp bà mẹ giết con mình sau đó cũng tự tử theo.
Bình luận