Chờ...

Chia tay người trở thành một phần ký ức của Bưu điện Trung tâm thành phố

VOH - Hơn 70 năm gắn bó với công việc tại bưu điện, trong đó xấp xỉ 30 năm làm nghề dịch và viết thư thuê, ông trở thành một phần ký ức của Bưu điện Trung tâm TPHCM.

Đó là ông Dương Văn Ngộ, được xác lập kỷ lục người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Ông được nhắc đến với những danh xưng "người viết thư tình xuyên thế kỷ", "người nối thế giới bằng cây bút mực", "người giữ hồn cho những lá thư tay"...

Một ngày đầu tháng 8, ông Nghệ rời cõi tạm ở tuổi 94, để lại niềm tiếc thương cho những ai từng biết về ông.

Chăm chỉ, cẩn trọng, mực thước, điềm đạm.... là những điều ai cũng có thể cảm nhận khi tiếp xúc với ông.

Dịch thuật, viết thư tay, ông còn kiêm luôn cả hướng dẫn viên cho những ai quan tâm đến kiến trúc, lịch sử Bưu điện trung tâm. Sinh thời, có lần ông nói "tôi coi đó là bổn phận của tôi, làm cho khách mến đất nước mình".

Trong chiếc cặp nhuốm màu thời gian là những kỷ vật ông rất quý, chiếc kính lúp, quyển từ điển là những món quà ông được tặng và cũng là vật dụng ông dùng trong công việc hàng ngày. Cả những bài báo viết về ông, ông cất giữ cẩn thận để làm kỷ niệm.

Với bản tính kiên nhẫn, chăm chút từng câu văn, ý thư, nên ông Ngộ được rất nhiều vị khách nước ngoài quý trọng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Ông từng nói cả đời ông gắn bó với Bưu điện, chưa ra khỏi nước Việt Nam nhưng lại có nhiều bạn bè khắp nơi trên thế giới.

Chia tay người trở thành một phần ký ức của Bưu điện Trung tâm thành phố 1
Ông Dương Văn Ngộ lúc sinh thời, miệt mài viết thư/ dịch thuật cho khách mỗi ngày

Từ khi 17 - 18 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại Bưu điện Thị Nghè và từng giữ chức Chánh sự bộ (thư ký) bưu điện sau đó không lâu.

Năm 36 tuổi, ông được Bưu điện Thành phố cho đi học tiếng Anh và Pháp để phục vụ công việc.

Năm 1990, ông nghỉ hưu và do thông thạo tiếng Anh và Pháp, ông được lãnh đạo bưu điện cho làm công việc dịch và viết thư thuê tại bưu điện đều đặn, cần mẫn mỗi ngày.

Ông chính thức xin nghỉ làm tại Bưu điện Thành phố từ tháng 11/2020 vì lý do sức khỏe giảm sút, sau hơn 70 năm miệt mài cống hiến.

Xem thêm: 78 năm giữ vững mạch máu thông tin

30 năm làm nghề dịch và viết thư thuê, ông nói nguyên tắc của mình là tôn trọng và giữ bí mật chuyện riêng của khách, viết thư xong là quên hết, không đào sâu đời tư ai để làm gì, để không phụ lòng những người đã tin tưởng trao tâm tư cho ông - gửi gắm trong những cánh thư tay.

 Suốt một thời gian dài, một cách tự nhiên, ông trở thành một phần ký ức của Bưu điện Trung tâm thành phố. Nhắc đến Bưu điện này, người ta nghĩ đến ông.

Nhiều du khách đến thăm nơi này, đều được giới thiệu và đến chào ông. Mỗi khi có dịp quay lại, nhìn thấy ông, họ như tìm thấy nét thân quen sau bao xa cách.

Góc ông Dương Văn Ngộ ngồi ở Bưu điện giờ trống trải, nhưng trong ký ức về Bưu điện Trung tâm thành phố, có một ngăn của sự trân trọng, luôn là hình bóng ông.

Bưu điện TPHCM tọa lạc tại Công trường Công xã Paris, quận 1, được người Pháp xây dựng trong khoảng từ năm 1886 đến năm 1891.

Công trình mang phong cách châu Âu kết hợp với nét Á Đông theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng với người trợ tá Foulhoux.

Thiết kế hình mái vòm tạo cảm giác hoài cổ và khoáng đạt, phần trần nhà của tiền sảnh được nâng đỡ bởi 4 cột trụ sắt nằm bốn góc.

Mỗi cột chống đỡ 4 kèo sắt tỏa ra 4 phía. Riêng vòm cung dài do 2 hàng trụ sắt 2 bên chịu lực. Các điểm tiếp nối giữa các trụ và kèo sắt thiết kế công phu, chạm khắc thành những hoa văn tinh xảo.

Hai bên hông tòa nhà được những kỹ sư người Pháp vẽ 2 tấm bản đồ lịch sử là "Saigon et ses environs 1892" và "Lignes téléraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge 1936" trên vòm trần hình bán nguyệt.

Bưu điện vẫn giữ những hòm thư cổ, bốt điện thoại, các đồ lưu niệm như tem hay thư xưa, là điểm tham quan nổi tiếng với du khách nước ngoài.