Nicholas Dames, giáo sư môn Văn học nhân học tại Đại học Columbia từ năm 1988, gần đây phát hiện một xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng nhiều sinh viên tỏ ra căng thẳng khi phải đối mặt với yêu cầu đọc sách.
Đáng ngạc nhiên, hiện tượng này không chỉ giới hạn ở một vài trường hợp cá biệt mà còn phổ biến ngay cả trong các trường đại học ưu tú.
Năm 2022, một sự kiện khiến Dames sửng sốt khi một sinh viên năm nhất đến văn phòng của ông để chia sẻ về khó khăn khi phải đọc hết một cuốn sách trong vòng một, hai tuần. Sinh viên này thừa nhận chưa từng đọc hết một cuốn sách nào trong suốt thời gian học trung học, chỉ được yêu cầu đọc các đoạn trích, bài thơ hay bài báo.
"Không phải các em không muốn đọc, mà là không biết cách đọc," Dames nhận định sau khi suy ngẫm về tình huống. Ông nhận ra rằng các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đã không yêu cầu học sinh đọc sách một cách toàn diện.
Jack Chen, giáo sư văn học Trung Quốc tại Đại học Virginia, cũng nhận thấy sinh viên ngày nay không đủ kiên trì để đọc hết một tác phẩm dài hơn chục trang giấy. Tình trạng này phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong thói quen đọc của giới trẻ.
Mặc dù chưa có thống kê toàn diện về tình trạng này, nhưng 33 giáo sư đại học khi được hỏi đều chia sẻ trải nghiệm tương tự. Năm 1979, Martha Maxwell, học giả có ảnh hưởng trong giới văn học, đã đưa ra nhận định rằng ở mỗi thế hệ, tại một thời điểm nào đó, các giáo viên đều phát hiện rằng học sinh không còn đọc tốt như mong đợi.
Lý giải nguyên nhân, nhiều người cho rằng sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội khiến sách bị lãng quên.
Thống kê cho thấy, năm 1976, khoảng 40% học sinh lớp 12 ở Mỹ đọc ít nhất 6 cuốn sách để giải trí, trong khi 11,5% không đọc cuốn nào. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã đảo ngược.
Khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu EdWeek đối với 300 giáo viên dạy từ lớp 3 đến lớp 8 cũng xác nhận xu hướng này. Chỉ 17% giáo viên chủ yếu dạy toàn bộ văn bản, 49% xen kẽ toàn bộ văn bản và đoạn trích, và gần 25% nói sách không còn là trọng tâm trong chương trình giảng dạy.
Trước thực trạng này, nhiều giảng viên đại học không còn lựa chọn nào ngoài việc giao ít bài đọc và hạ thấp kỳ vọng.
Cuộc khủng hoảng đọc sách này đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của nền giáo dục Mỹ và cách thức để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho thế hệ trẻ trong thời đại số. Việc điều chỉnh chương trình giảng dạy có thể là cần thiết trong ngắn hạn, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy phản biện và hiểu biết sâu sắc của sinh viên trong tương lai.