Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đề phòng trộm, cướp trong dịp lễ 30/4 và 1/5

VOH – Công an TPHCM cảnh báo người dân cần cảnh giác, phòng ngừa trộm đột nhập khi vắng nhà cũng như bảo vệ tài sản cá nhân trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài từ 4 – 5 ngày nên nhiều gia đình đã lên kế hoạch đi du lịch, đi chơi, về quê... Các đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản có thể lợi dụng thời điểm này để hoạt động. Do đó, công an TPHCM cảnh báo tất cả người dân cần cảnh giác đồng thời thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.

1. Đề phòng trộm đột nhập trong thời gian vắng nhà

Các gia đình về quê, đi chơi xa, không có người ở nhà trong thời gian nghỉ lễ cần chủ động đề phòng kẻ gian đột nhập, trộm cắp tài sản. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa.

  • Khóa cửa cẩn thận, kiểm tra kỹ tất cả các khu vực

Trộm có thể đột nhập vào nhà bằng nhiều cách, nhiều con đường khác nhau. Vì vậy, trước khi đi vắng, ngoài việc khóa cửa cẩn thận, khóa cửa nhiều lớp bạn nên kiểm kỹ mọi ngóc ngách. Cửa lớn, cửa sổ, cửa hành lang, cửa ban công, cửa thông gió… đều cần được rà soát.

  • Bật đèn chiếu sáng, thu gom tờ rơi trước nhà

Gia chủ nên nhờ người thân, bạn bè hoặc hàng xóm thân thiết trông nhà hoặc ít nhất là quan sát, kiểm tra và thông báo khi có điều bất thường xảy ra.

Các đối tượng trộm cắp thường xác định có người ra vô hoặc ở nhà hay không thông qua việc bật đèn vào ban đêm hoặc đặt mẫu quảng cáo, rao vặt ở cổng, vị trí mở khóa.

Vì vậy, các gia đình đi vắng nên nhờ người thân, hàng xóm bật đèn chiếu sáng và quan sát có tờ rơi trước nhà hay không. Nếu có hãy lấy xuống, thu lại ngay lập tức. Trong trường hợp nhà có hệ thống chiếu sáng tự động, hãy hẹn giờ bật đèn để trộm tưởng rằng có người trong nhà.

  • Lắp camera, khóa chống trộm thông minh, dùng ổ khóa bên trong

Việc lắp camera và khóa chống trộm thông minh có thể giúp gia chủ theo dõi tình hình ở nhà mọi lúc, mọi nơi. Nếu xảy ra vấn đề, chủ nhà có thể phát hiện kịp thời, báo người thân, hàng xóm, công an…

Ngoài ra, người dân còn có thể áp dụng một số biện pháp đánh động, đánh vào tâm lý của kẻ gian như khóa cửa từ bên trong (như có người ở nhà) hay đặt biển “nhà có chó dữ”, “khu vực có camera quan sát”.

  • Không chia sẻ thông tin cá nhân, hành trình lên mạng xã hội

Trong nhiều trường hợp, kẻ trộm chính là người quen của gia chủ. Do đó, việc check-in, chia sẻ hành trình… lên mạng xã hội có thể vô tình giúp kẻ gian nắm được kế hoạch của bạn.

Đề phòng trộm, cướp trong dịp lễ 30/4 và 1/5 1
Kẻ gian có thể theo dõi, đột nhập vào nhà khi gia chủ đi chơi dài ngày - Ảnh: Getty

2. Phòng ngừa tội phạm cướp giật

Công an TP.HCM cũng cảnh báo, nhóm cướp giật tài sản thường sử dụng xe phân khối lớn, đảo quanh các tuyến đường để tìm “con mồi”. Khi phát hiện mục tiêu, chúng bám theo, áp sát và ra tay cướp, cướp giật.

Các đối tượng này còn lợi dụng đêm khuya, khu vực ít người qua lại, chặn đầu xe của nạn nhân để cướp. Chúng cũng đeo bám, kè sát ra tay cướp giật tiền của các nạn nhân mới rút từ ngân hàng hoặc trụ ATM.

Người dùng điện thoại khi lái xe, đeo trang sức có giá trị (dây chuyền, vòng vàng...) hay mải mê chụp hình, dò đường trên điện thoại… cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ cướp giật, móc túi.

Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác với thủ đoạn dàn cảnh, đóng kịch (giả vờ hỏi thăm đường, va quẹt xe) để trộm cắp, cướp giật tài sản.

Một số biện pháp phòng ngừa cướp giật:

  • Không dừng, đậu xe nơi tối, vắng. Nếu phải đi qua những khu vực này thì nên đi từ hai người trở lên và cảnh giác khi có người nghi vấn.
  • Nếu đeo trang sức thì nên mặc áo khoác cài kín cổ áo, không nên “khoe” ra ngoài, dễ bị kẻ gian để ý. Tốt nhất, nên để túi xách và các tài sản có giá trị trong cốp xe.
  • Không sử dụng điện thoại khi đang chạy xe, trường hợp cần thiết thì tấp sát vào lề đường. Nếu nghi có người bám theo thì chạy chậm sát vào lề hoặc tấp xe vào nơi có đông người. Cảnh giác khi có nhóm người áp sát và tri hô khi bị trộm cắp, cướp giật tài sản.
  • Đi cùng người khác khi rút tiền ở ngân hàng hoặc trụ ATM và chú ý cảnh giác.
Bình luận