Đây là một phần trong nỗ lực cải cách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phát triển đảo, tạo thêm việc làm cho người dân, bảo tồn văn hóa địa phương.
Theo ông Hermin Esti, quan chức cấp cao thuộc Bộ Điều phối hàng hải và Đầu tư Indonesia, quyết định tạm ngừng xây dựng đã được chính phủ thông qua, tuy nhiên, thời gian cụ thể của lệnh cấm vẫn đang được thảo luận.
Động thái này nhằm giải quyết tình trạng phát triển quá mức cho mục đích thương mại tại các địa điểm sầm uất của hòn đảo, bao gồm việc xây dựng các khách sạn, biệt thự và câu lạc bộ bãi biển.
Thống đốc lâm thời của Bali, ông Sang Made Mahendra Jaya, trước đó đã đề xuất chính phủ trung ương tạm dừng hoạt động xây dựng tại bốn khu vực lớn trên đảo vào ngày 7/9.
Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, cũng xác nhận lệnh tạm ngừng này có thể kéo dài đến 10 năm.
Theo ông Luhut, sự hiện diện của khoảng 200.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Bali đã góp phần tạo nên các vấn đề về tội phạm, phát triển quá mức, và cạnh tranh việc làm gay gắt.
Để bảo vệ văn hóa địa phương, từ tháng 2 năm nay, Bali đã áp dụng thuế du lịch 150.000 rupiah (khoảng 9 USD) đối với du khách nước ngoài.
Số lượng khách du lịch đã tăng đáng kể kể từ khi Indonesia mở cửa lại sau đại dịch Covid-19, với gần 2,9 triệu lượt khách trong nửa đầu năm 2024, chiếm 65% tổng lượng khách nước ngoài đến Indonesia bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, cùng với lượng khách du lịch tăng mạnh, một số hành vi không đúng mực của du khách đã gây bức xúc trong cộng đồng địa phương.
Các video ghi lại cảnh du khách khỏa thân tại các địa điểm linh thiêng, chen ngang trong buổi biểu diễn múa truyền thống tại đền thờ đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người dân Bali bức xúc và phản đối.
Việc tạm ngừng xây dựng các cơ sở du lịch trên đảo Bali được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát sự phát triển, bảo vệ hòn đảo khỏi các tác động tiêu cực và duy trì giá trị văn hóa lâu đời của Bali.