Không cần bó buộc trong bốn bức tường công sở, họ có thể làm việc từ quán cà phê, không gian làm việc chung hay thậm chí là vừa đi du lịch vừa hoàn thành công việc.
"Du mục" kỹ thuật số (Digital Nomad) là cách làm việc mà ở đó, chỉ cần có laptop và kết nối Internet, người ta có thể hoàn thành công việc từ bất cứ đâu.
Điểm khác biệt của nhóm người này so với những nhân viên làm việc từ xa thông thường là họ liên tục di chuyển, không cố định ở một địa điểm nào lâu dài. Một lập trình viên có thể làm việc từ Bali vào mùa hè, sau đó chuyển đến châu Âu khi trời trở lạnh. Một blogger du lịch có thể ngồi trong quán cà phê ở Bangkok để viết bài rồi tiếp tục hành trình đến Nhật Bản mà vẫn đảm bảo tiến độ công việc.

Hình thức làm việc này manh nha từ những năm 2000, khi Internet bắt đầu phổ biến và nhiều công việc có thể thực hiện trực tuyến. Ban đầu, chỉ một số ít người trong các lĩnh vực công nghệ, thiết kế hay viết lách thử nghiệm mô hình này.
Sự bùng nổ của các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa như Zoom, Slack, Trello… đã giúp phong cách làm việc du mục ngày càng phổ biến. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, quan điểm về môi trường làm việc truyền thống thay đổi đáng kể, khi nhiều công ty chuyển sang mô hình làm việc linh hoạt hơn.
Theo báo cáo State of Digital Nomads 2023, hiện có khoảng 35 triệu người trên thế giới đang theo đuổi phong cách sống này. Mỹ, Anh và Đức là những quốc gia có số lượng "du mục" kỹ thuật số nhiều nhất.
Một số nước trên thế giới đã triển khai thị thực làm việc từ xa nhằm thu hút nhóm lao động này. Tại châu Âu, Hy Lạp và Hungary là những quốc gia tiên phong với chương trình cấp thị thực dành riêng cho người làm việc tự do.
Dữ liệu từ Nomads Embassy cho thấy, tính đến tháng 10/2021, Hy Lạp đã cấp hơn 1.600 thị thực "du mục" trong tổng số gần 3.000 đơn đăng ký. Loại thị thực này cho phép lưu trú một năm và có thể gia hạn thêm hai năm.
Tại Hungary, chương trình "White Card" được áp dụng từ năm 2023, cho phép những người làm việc từ xa cư trú hợp pháp trong một năm, với khả năng gia hạn thêm một năm nữa.
Ở châu Á, Bali (Indonesia) và Chiang Mai (Thái Lan) là hai địa điểm nổi tiếng nhờ chi phí sinh hoạt hợp lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi và cộng đồng "du mục" đông đảo.
Tại Việt Nam, Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những người làm việc từ xa. Báo cáo của Nomad List xếp Đà Nẵng vào top 10 địa điểm phát triển nhanh nhất cho mô hình làm việc này trong năm 2023.
Lối sống "du mục" kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích rõ ràng, nhưng cũng đi kèm không ít thách thức.
Tự do lựa chọn môi trường làm việc: Không còn bị giới hạn bởi văn phòng, có thể làm việc tại bất kỳ nơi nào có Internet.
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Một số người chọn làm việc vào buổi sáng rồi dành buổi chiều để khám phá điểm đến mới.
Chi phí linh hoạt: Nhiều người chọn sống ở những nơi có mức sinh hoạt thấp hơn để tiết kiệm chi phí.
Cơ hội trải nghiệm văn hóa mới: Tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau giúp mở rộng tầm nhìn và tư duy sáng tạo.
Không phải nghề nào cũng phù hợp: Những công việc đòi hỏi sự hiện diện trực tiếp như bác sĩ, kỹ sư xây dựng, giáo viên… khó có thể làm từ xa.
Thiếu sự ổn định tài chính: Công việc tự do không phải lúc nào cũng có sẵn, mức thu nhập cũng không ổn định.
Vấn đề kết nối: Ở một số nơi, Internet có thể không đủ mạnh để phục vụ công việc.
Cảm giác cô đơn: Không có đồng nghiệp, không gian làm việc thay đổi liên tục có thể khiến một số người cảm thấy lạc lõng.
Không phải ai cũng thích hợp với việc làm việc tự do ở nhiều nơi khác nhau. Những người thích sự ổn định, cần tương tác trực tiếp với đồng nghiệp hoặc làm trong ngành yêu cầu có mặt tại công ty thường không dễ dàng thích nghi.
Theo khảo sát từ Nomad List, khoảng 70% "du mục" kỹ thuật số làm việc trong ngành công nghệ, 25% làm việc trong lĩnh vực sáng tạo nội dung. Họ có thể là lập trình viên, nhà văn, dịch giả, nhiếp ảnh gia, doanh nhân trực tuyến hay những người làm thương mại điện tử. Điểm chung của họ là tính kỷ luật cao, khả năng quản lý thời gian tốt và tinh thần tự giác.