Chờ...

Gánh nặng tiền mừng cưới ở Hàn Quốc

HÀN QUỐC - Mùa cưới tại Hàn Quốc không chỉ mang lại không khí vui tươi mà còn gây ra nhiều áp lực cho cả khách mời lẫn các cặp đôi.

Theo khảo sát mới nhất từ ngân hàng Shinhan, số tiền mừng cưới đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong vài năm qua, khiến nhiều người cảm thấy khó xử khi nhận thiệp mời.

Trước đây, khách mời thường gửi mừng từ 30.000 đến 50.000 won (khoảng 600.000 đến 1 triệu đồng). Bắt đầu từ năm 2024, con số này đã tăng lên rõ rệt.

Nếu không tham dự tiệc, hầu hết mọi người sẵn sàng gửi 50.000 won, còn nếu đến dự, số tiền mừng tối thiểu đã trở thành 100.000 won. Đặc biệt, đối với những đám cưới tổ chức ở khách sạn, mức tiền có thể lên tới 150.000 won, gây áp lực lớn cho người tham dự.

Anh Kim, một nhân viên văn phòng gần 30 tuổi ở Seoul, cho biết: "Nếu đi dự, tôi sẽ phải mừng ít nhất 100.000 won. 50.000 won thậm chí không đủ tiền cỗ." Chi phí tổ chức đám cưới đang gia tăng chóng mặt, các trung tâm tiệc cưới còn lại sau đại dịch Covid-19 không ngừng nâng giá dịch vụ.

Dam-cuoi-Han-Quoc
Cô gái bước qua cửa hàng áo cưới ở Seoul, tháng 10/2023 - Ảnh: Yonhap

Chi phí tổ chức cho một đám cưới ở trung tâm tiệc cưới hiện dao động từ 6 đến 14 triệu won (khoảng 111-260 triệu đồng), trong khi ở khách sạn có thể lên đến 30 triệu won.

Không chỉ khách mời cảm thấy áp lực, mà cả các cặp đôi cũng rơi vào tình trạng căng thẳng. Cô dâu Park chia sẻ: "Tôi lo việc mời cưới có thể giống như đang đi xin tiền. Chi phí mỗi suất ăn đã lên tới 70.000-80.000 won." Nhiều người cho rằng việc mừng chỉ 50.000 won sẽ bị xem là thiếu lịch sự, gây áp lực cho những ai không thể chi nhiều.

Chủ đề "số tiền mừng cưới phù hợp là bao nhiêu?" trở thành tâm điểm tranh luận trên mạng xã hội Hàn Quốc. Có ý kiến cho rằng, mức tiền mừng nên dựa trên mức độ thân thiết, từ bạn bè thân thiết mừng từ 200.000 won đến đồng nghiệp chỉ mừng 50.000 won nhưng không tham dự.

Giáo sư Yoon Sang-chul tại Đại học Hanshin nhận định rằng, tiền mừng cưới từng là cách để chúc phúc cho các cặp đôi mới cưới, nhưng giờ đây đã trở thành gánh nặng lớn. Dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng phong tục này sẽ khó biến mất, vì nó không chỉ thể hiện sự ủng hộ mà còn ảnh hưởng đến uy tín xã hội.