Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gen Z chi "quá tay" cho Giáng sinh: Sự hào phóng hay áp lực ngầm?

VOH - Những ngày cận Giáng sinh, câu chuyện về một thanh niên Gen Z lương tháng 8 triệu đồng nhưng sẵn sàng chi 15 triệu để mua quà tặng bạn gái khiến cộng đồng mạng không khỏi tranh cãi.

Hành động này là biểu hiện của tình yêu chân thành hay chỉ đơn thuần chạy theo áp lực xã hội?

Ngọc Khánh (25 tuổi, Hà Nội) hiện làm thiết kế đồ họa tự do với thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, anh không ngần ngại quẹt thẻ tín dụng chi 15 triệu để mua gói tập gym một năm tặng bạn gái dịp Giáng sinh. Khánh chia sẻ: “Dù thu nhập chưa ổn định, tôi thấy khoản chi này xứng đáng vì món quà mang lại giá trị cho người nhận.”

pexels-nurseryart-360624

Khánh từng rơi vào cảnh khốn khó vì công ty cũ cắt giảm nhân sự, buộc anh chuyển sang làm việc tự do. Trong thời gian đó, anh không chỉ sống dựa vào gia đình mà còn phải gồng gánh khoản nợ thẻ tín dụng 60 triệu đồng. “Áp lực tài chính đôi khi khiến tôi mệt mỏi, nhưng Giáng sinh chỉ có một lần mỗi năm, không thể làm qua loa,” Khánh nói thêm.

Chi tiêu "vượt ngưỡng" – xu hướng của Gen Z?

Không chỉ Khánh, nhiều người trẻ khác cũng sẵn sàng dốc hầu bao vượt mức thu nhập để đáp ứng kỳ vọng của nửa kia. Hải Long (23 tuổi, TP.HCM), nhân viên quảng cáo với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, đã chi 10 triệu đồng cho bữa tiệc Giáng sinh. "Nếu tôi không tổ chức thật hoành tráng, bạn gái sẽ mất mặt với bạn bè," Long lý giải.

Để chuẩn bị cho dịp này, Long phải vay bạn bè 5 triệu đồng. Anh sử dụng số tiền đó để mua nước hoa đắt tiền, hoa tươi và đặt bàn tại một nhà hàng sang trọng. "Tiền thì sau này kiếm lại, nhưng Giáng sinh là dịp để khẳng định tình yêu. Tôi không muốn bạn gái cảm thấy thiệt thòi," anh khẳng định.

Khảo sát của Ogilvy cho thấy, Gen Z có xu hướng chi tiêu theo cảm xúc cao nhất, với 58% người trẻ ưu tiên "sống cho hiện tại" hơn là tiết kiệm. Tuy nhiên, sự hào phóng này không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng tình.

Tình yêu cần thực tế hay xa hoa?

Trái ngược với những câu chuyện chi tiêu xa xỉ, Minh Tú (25 tuổi, Hà Nội) cho rằng quà Giáng sinh không cần phải đắt tiền. “Giáng sinh là dịp để thể hiện tình cảm, nhưng không nên quá áp lực về giá trị vật chất,” cô chia sẻ. Thay vì tổ chức bữa tiệc xa hoa, Minh Tú quyết định tự tay làm quà tặng người yêu. Với cô, món quà quan trọng nhất là ý nghĩa và tấm lòng người trao.

Minh Tú cũng nhấn mạnh: “Nhiều bạn trẻ chi tiêu vượt khả năng chỉ để khoe khoang trên mạng xã hội. Nhưng sau những hình ảnh lung linh ấy là không ít áp lực tài chính khiến cả hai đều mệt mỏi.”

Dịp lễ cuối năm, đặc biệt là Giáng sinh, thường đi kèm với kỳ vọng lớn lao. Nhưng liệu chi tiêu vượt khả năng có thực sự mang lại hạnh phúc? Nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo, việc vay mượn để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn có thể đẩy người trẻ vào vòng xoáy nợ nần và căng thẳng lâu dài.

Giáng sinh là dịp để sẻ chia yêu thương, nhưng hơn cả, đó là lúc cần nhìn nhận lại giá trị thực sự của các mối quan hệ. Liệu tình yêu có cần được đo bằng giá trị vật chất, hay chính sự chân thành và thấu hiểu mới là món quà quý giá nhất?

Bình luận